Đau nhức xương khớp toàn thân phải làm sao?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng đau nhức xương khớp toàn thân. Chúng có thể chỉ là những nguyên nhân cơ giới không nghiêm trọng hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nguy hiểm.

Đau nhức xương khớp toàn thân là thế nào?

Đau nhức xương khớp toàn thân là hiện tượng nhiều xương, khớp trong cơ thể cùng bị đau một lúc hoặc đau nối tiếp nhau. Đây là hiện tượng rất thường gặp. Thống kê cho thấy, cứ 100 người sẽ có khoảng 2 đến 8 người bị đau nhức xương khớp toàn thân.

Bệnh đau nhức xương khớp toàn thân có thể gặp ở bất kì ai, bất kì giới tính, độ tuổi nào. Tuy nhiên, nó có xu hướng phổ biến hơn ở một số đối tượng sau:

  • Giới tính nữ;
  • Người 30 tuổi trở lên;
  • Những người mắc bệnh lý xương khớp;
  • Nhân viên văn phòng, những người phải ngồi lâu tại một chỗ;
  • Người phải lao động nặng, thường xuyên phải mang vác đồ.
Nhân viên văn phòng, những người phải ngồi lâu tại một chỗ có nguy cơ cao bị đau nhức xương khớp toàn thân (Ảnh minh họa)

Đau nhức xương khớp toàn thân có phải là vấn đề nghiêm trọng?

Thông thường, các cơn đau nhức xương khớp toàn thân thường không phải là vấn đề gì nghiêm trọng, nó xảy ra do các nguyên nhân cơ giới, như: lười vận động, thay đổi thời tiết, ngồi sai tư thế, nằm ngủ không trở mình,… Các cơn đau này có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Nếu cơn đau ở mức độ nặng, nó cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn, khiến bạn cảm thấy ê ẩm, nhức mỏi, khó vận động, chỉ muốn nằm một chỗ và mất hứng thú với tất cả mọi hoạt động. Tuy nhiên, chỉ cần nghỉ ngơi, điều trị, tập luyện hợp lý, cơn đau sẽ thoái lui.

Nhưng, đau nhức xương khớp toàn thân cũng có thể là triệu chứng cảnh báo của một bệnh lý xương khớp tiềm ẩn. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh về xương khớp sẽ xấu dần theo thời gian và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử, nhiễm trùng, phải cắt cụt xương, dẫn đến khuyết tật khiến người bệnh mất khả năng thực hiện các công việc hằng ngày; ung thư lan rộng (nếu nguyên nhân là do bệnh ung thư);…

Phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu đau nhức xương khớp toàn thân có thể là bệnh lý nguy hiểm nào.

Thông thường, các cơn đau nhức xương khớp toàn thân thường không phải là vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó cũng có thể là triệu chứng cảnh báo của một bệnh lý xương khớp tiềm ẩn (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân đau nhức xương khớp toàn thân

Nguyên nhân bệnh lý thường gặp

Thoái hóa khớp. Đây là bệnh lý phổ biến nhất ở người cao tuổi. Bệnh xảy ra do sụn ở khớp bị hao mòn và hư hỏng dần theo thời gian. Sụn có nhiệm vụ bảo vệ các đầu xương trong khớp và cho phép chúng di chuyển linh hoạt, dễ dàng. Khi sụn bị hư hỏng, đầu xương trở nên sần sùi, hai đầu xương không còn lớp đệm, cọ xát vào nhau gây nhiều đau đớn.

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào, nhưng rối loạn này thường ảnh hưởng đến khớp ở tay, đầu gối, hông và cột sống. Khi bạn bị thoái hóa nhiều khớp một lúc, triệu chứng đau nhức xương khớp toàn thân có thể xảy ra.

Hoặc khi thoái hóa khớp gây chèn ép dây thần kinh, cơn đau sẽ lan rộng gây ra hiện tượng đau nhức xương khớp toàn thân.

Viêm khớp dạng thấp. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào lớp lót của khớp, gây ra đau khớp, sưng và cứng khớp.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến các khớp ở cả hai bên của cơ thể, chẳng hạn như cả hai tay, cả hai cổ tay hoặc cả hai đầu gối. Sự đối xứng này giúp phân biệt với các loại viêm khớp khác. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến da, mắt, phổi, tim, máu hoặc thần kinh.

Viêm khớp dạng thấp không phải là một phần của lão hóa giống như bệnh thoái hóa khớp.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào lớp lót của khớp (Ảnh minh họa)

Bệnh Gout. Gút là một dạng viêm khớp do axit uric dư thừa trong máu. Bệnh có thể gây ra sự đau đớn cực độ ở khớp, đặc biệt thường xảy ra ở khớp ngón chân cái. Một đợt gút có thể kéo dài trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần, và trong 1-2 ngày đầu tiên cơn đau thường là tồi tệ nhất.

Bệnh lao xương. Lao xương là bệnh xảy ra do hệ thống xương khớp bị nhiễm trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Người bệnh thường không mắc lao xương ngay từ đầu mà đây là bệnh thứ phát sau lao phổi trước đó.

Lao xương thường khu trú tại một vị trí nhất định, tuy nhiên nó cũng có thể xảy ra đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau, gây ra tình trạng đau nhức xương khớp toàn thân, trường hợp này được gọi là lao xương đa ổ.

Đau thần kinh tọa. Dây thần kinh tọa hay dây thần kinh hông, là dây thần kinh dài nhất và quan trọng nhất của cơ thể. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm soát và cảm nhận ở đôi chân của bạn. Khi dây thần kinh này bị kích thích, bạn sẽ bị đau thần kinh tọa.

Khi bị đau thần kinh tọa, cơn đau thường bắt đầu từ hông và lan xuống đến vùng thắt lưng, bắp chân, chân và bàn chân. Ngoài đau nhức, bạn cũng có thể cảm thấy tê yếu, ngứa ran như bị kim đâm.

Loãng xương. Loãng xương là hiện tượng mật độ chất trong xương giảm dần, khiến xương giòn hơn, dễ bị gãy và tổn thương hơn bình thường.

Các gãy xương phổ biến liên quan đến loãng xương thường là: hông, cột sống và cổ tay. Đặc biệt, gãy xương đốt sống có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: mất chiều cao, đau lưng, biến dạng nghiêm trọng cột sống.

Loãng xương là hiện tượng mật độ chất trong xương giảm dần, khiến xương giòn hơn, dễ bị gãy và tổn thương hơn bình thường (Ảnh minh họa)

Loãng xương có biểu hiện là xuất hiện cơn đau và hạn chế vận động ở các phần cột sống, xương chậu, bả vai…

Ung thư xương. Ung thư xương nguyên phát là ung thư xương hiếm gặp, nó bắt đầu trong các tế bào tạo nên xương. Ung thư xương thứ phát (di căn) là tình trạng bạn mắc một bệnh ung thư khác và nó di căn đến xương.

Ung thư xương có thể ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào, nhưng hầu hết nó phát triển ở xương dài của chân hoặc cánh tay trên, gây ra tình trạng đau nhức xương dai dẳng và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Cúm, sốt. Khi bạn bị cúm sốt, cảm lạnh, bạn cũng có thể bị đau nhức xương khớp và ê ẩm toàn thân. Bởi khi cơ thể bị nhiễm trùng, các tế bào bạch cầu sẽ được hệ thống miễn dịch gửi đi để tiêu diệt kẻ xâm nhập lạ mặt. Quá trình này sẽ gây ra phản ứng viêm, dẫn tới các cơ xương khớp trong cơ thể bị đau và cứng.

Viêm tủy xương. Viêm tủy xương xảy ra khi một bộ phận khác trong cơ thể bị nhiễm trùng và nó lây lan theo máu để vào xương. Đây là một bệnh nhiễm trùng xương hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.

Nguyên nhân không do bệnh lý

Đau nhức xương khớp toàn thân cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân không phải bệnh lý, như:

  • Lười vận động cơ thể: ngủ nhiều, không tập thể dục, ngồi quá lâu một chỗ;
  • Thay đổi thời tiết;
  • Bê vác đồ sai cách hoặc thường xuyên phải mang vác nặng;
  • Ngồi, nằm sai tư thế: Chúi đầu về phía trước, lưng không thẳng, nằm dài trên ghế xem ti vi;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Do sử dụng một số loại thuốc (một số loại thuốc chẳng hạn như statin và thuốc huyết áp có những tác dụng phụ khiến cơ thể cảm thấy đau nhức)
  • Do sử dụng rượu, cocain, thuốc phiện, các loại ma túy.
  • .v.v.
Lười vận động cơ thể cũng là một trong các nguyên nhân gây đau nhức xương khớp toàn thân (Ảnh minh họa)

Triệu chứng

Thường gặp:

  • Các cơn đau mỏi xuất hiện cùng một lúc tại nhiều khớp trên cơ thể hoặc xuất hiện nối tiếp nhau, không xuất hiện đơn lẻ;
  • Nếu đau nhức xương khớp cấp tính, cơn đau thường ngắn hạn và xuất hiện hiện do có nguyên nhân rõ ràng, đặc điểm cơn đau mãn tính là khởi phát mạnh sau đó dần cải thiện. Nếu đau xương khớp toàn thân là đau mỏi mãn tính, cơn đau thường xuất hiện trong thời gian dài (trên 3 tháng) và có thể xuất hiện vào bất kì thời điểm nào, nguyên nhân không rõ ràng;
  • Cứng khớp;
  • Tê buốt toàn thân. Thường xảy ra khi một số hoặc một nhánh dây thần kinh bị tổn thương, kích thích hoặc chèn ép.
  • Khi bị đau nhức, người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, hậu quả xảy ra là chán ăn, suy nhược cơ thể, mất ngủ kéo dài, da sạm, mặt kém sắc, tâm trạng suy sụp, hay cáu gắt,.

Triệu chứng ít phổ biến:

  • Mệt mỏi;
  • Giảm cân dù không ăn kiêng;
  • Sốt hoặc ớn lạnh;
  • Đổ mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Rùng mình;
  • Thay đổi nhiệt độ cơ thể;
  • .v.v.
Các cơn đau nhức xuất hiện cùng một lúc tại nhiều khớp trên cơ thể hoặc xuất hiện nối tiếp nhau, không xuất hiện đơn lẻ (Ảnh minh họa)

Làm gì nếu bị đau nhức xương khớp toàn thân?

Đau nhức xương khớp toàn thân có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có cả các nguyên nhân bệnh lý, chính vì thế, nếu gặp phải tình trạng này, đầu tiên bạn không được chủ quan coi thường bệnh.

Sau đó, cần tránh nghe những lời mách chữa bệnh vô căn cứ, những bài thuốc bắc, thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Việc sử dụng thuốc, dù là thuốc đông y, nếu không đúng vẫn có thể gây ra những tác dụng phụ không thể lường trước được. Chưa kể tới việc thuốc trôi nổi có thể là các loại thuốc nhập lậu, thuốc không được cấp phép, bị trộn các biệt dược nguy hiểm. Hậu quả để lại khi sử dụng các loại thuốc này là cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Hãy tránh nghe những lời mách chữa bệnh vô căn cứ, các bài thuốc bắc, thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc (Ảnh minh họa)

Đặc điểm của những bài thuốc này thường là:

  • Được người bán quảng cáo thái quá về công dụng với những lời có cánh, như: hiệu quả nhanh, hoàn toàn từ thảo dược quý hiếm, điều trị dứt điểm…
  • Lấy danh nghĩa là “Đông y gia truyền” của Bà X, bà Y, ông Z… để tạo niềm tin cho người tiêu dùng;
  • Rao bán theo hình thức đa cấp mà người bán không hề có kiến thức về thuốc, họ thuộc đủ các thành phần từ công nhân, công chức, viên chức đến bà bán trà đá vỉa hè,..
  • Bán thuốc mà không qua thăm khám trực tiếp, chỉ cần kể biểu hiện, tình trạng bệnh là có thể lấy thuốc về uống;
  • Thuốc không có nhãn mác, không hạn sử dụng cũng như không rõ nguồn gốc xuất xứ;
  • Sử dụng hình ảnh người khác để tạo tài khoản trên mạng xã hội, lấy video của lương y nổi tiếng để quảng cáo chữa bệnh;
  • .v.v.

Nếu các triệu chứng đau nhức kéo dài trên 1 tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa xương khớp để được thăm khám. Tại đây, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây bệnh của bạn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Nếu muốn chữa bệnh bằng Đông Y hay các loại thuốc nam, bạn cần đến các cơ sở y học cổ truyền uy tín, được Bộ Y tế cấp phép hoạt động, như: Viện Y học dân tộc; Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương; Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Quân đội 108; Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền TP.HCM; Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh hay những phòng mạch của các lương y có kinh nghiệm, chuyên môn, là thành viên của Hội Ðông y để được khám và bốc thuốc.

Nếu các triệu chứng của bạn xảy ra sau chấn thương, bạn nên đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.

Bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa xương khớp để được thăm khám (Ảnh minh họa)

Điều trị

Để điều trị đau nhức xương khớp toàn thân hiệu quả, cần dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, có một số phương pháp điều trị cơ bản như sau:

  • Giảm đau tại nhà;
  • Sử dụng thuốc;
  • Vật lý trị liệu;
  • Châm cứu;
  • Hóa trị, xạ trị;
  • Phẫu thuật;
  • .v.v.

Giảm đau tại nhà

Tại nhà, bạn có thể thực hiện một số phương pháp giảm đau xương khớp ngắn hạn, chẳng hạn như:

  • Chườm lạnh hoặc chườm ấm vào các khớp bị đau;
  • Nghỉ ngơi hợp lý (lưu ý không nên nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu);
  • Nếu bạn thừa cân, hãy thực hiện giảm cân an toàn để hạn chế tối đa áp lực lên hệ thống xương khớp toàn.

☛ Tìm hiểu thêm: Cách làm giảm đau nhức xương khớp tại nhà an toàn

Thuốc

Thuốc giảm đau xương khớp được chia thành 2 loại là thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc kê đơn (ETC). Cả hai loại thuốc này đều có ở nhiều dạng khác nhau, như thuốc uống, thuốc tại chỗ, thuốc tiêm,…

Thuốc uống. Một số loại thuốc uống thường được sử dụng là:

  • Acetaminophen, có ở dạng không kê đơn, chỉ định cho những cơn đau nhẹ, không viêm.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau, chống viêm. Có ở cả dạng OTC và ETC.
  • Opioids được chỉ định trong các trường hợp đau nghiêm trọng. Thuốc chỉ được bán dưới dạng kê đơn.
  • Mifamurtide. Một loại thuốc dùng để điều trị ung thư xương.
  • Các loại thuốc hỗ trợ giảm đau xương khớp: Thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc gây tê, steroid…

Thuốc tại chỗ. Là các loại thuốc dùng ngoài da, có dạng kem bôi, gel hoặc miếng dán. Chúng có sẵn ở cả dạng kê đơn và theo toa. Một số loại thuốc thuộc nhóm này là:

  • Capsaicin
  • Thuốc đối kháng. Như Icy Hot, Gold Bond.
  • Chất gây tê. Như Lidoderm, Salonpas.

Tiêm. Tiêm thuốc mang lại hiệu quả giảm đau trong thời gian ngắn nhưng gây ra nhiều tác dụng phụ. Nó được chỉ định với những người sử dụng thuốc uống hoặc thuốc bôi mà không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thuốc tiêm giảm đau xương khớp chỉ có ở dạng kê đơn.

Việc sử dụng thuốc điều trị đau nhức xương khớp toàn thân, dù là thuốc không kê đơn, cũng cần có sự tham khảo từ bác sĩ (Ảnh minh họa)

Vật lý trị liệu

Phương pháp này thường được thực hiện song song với các phương pháp điều trị khác để nâng cao hiệu quả. Những bài tập vật lý trí liệu giảm đau xương khớp thường được hướng dẫn bởi một chuyên gia vật lý trị liệu hoặc bạn có thể thực hiện một số bài tập đơn giản tại nhà.

Châm cứu

Châm cứu là phương pháp chữa bệnh đã có từ ngàn đời nay và được y học hiện đại đánh giá cao trong việc giảm đau, hỗ trợ điều trị các bệnh lý xương khớp.

Hóa trị, xạ trị

Nếu bạn bị đau nhức xương khớp toàn thân do ung thư, bạn có thể cần phải xạ trị hay hóa trị. Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào và mô ác tính, còn xạ trị là sử dụng bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được coi là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh lý xương khớp, khi mà các phương pháp điều trị khác đã không còn mang lại hiệu quả. Tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng bệnh, sức khỏe chung của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Kết luận

Đau nhức xương khớp toàn thân là một bệnh lý thường gặp và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nếu bệnh là cảnh báo của một bệnh lý xương khớp tiềm ẩn, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng, hãy theo dõi bệnh và tới khám tại các cơ sở chữa bệnh uy tín, tình trạng bệnh sẽ được khắc phục.

Để được tư vấn miễn phí về bệnh xương khớp, bạn có thể gọi tới tổng đài 1800 1156

Bài viết liên quan