Đau cổ do đâu? Làm sao để khắc phục?

Đau cổ là triệu chứng có thể xuất hiện trong nhiều tình trạng khác nhau, có tình trạng khắc phục đơn giản nhưng cũng có những tình trạng phức tạp hơn. Vậy đau cổ hay đau khớp cổ có thể xuất phát từ đâu và khắc phục như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Đau cổ – Một hiện tượng phổ biến

Cổ bắt đầu từ đáy hộp sọ, kéo xuống tới cột sống ngực. Nó nối đầu với thân và các chi. Sự linh hoạt của cử động cổ cho phép tối đa hóa các chức năng của đầu.

Cổ gồm 7 đốt sống (C1 đến C7), xương ức và xương đòn, tạo thành một đường cong hình chữ C. Giữa các đốt sống là các đĩa đệm có vai trò giảm xóc và giữ cho cột sống được linh hoạt. Các đốt sống được nối với nhau bởi các cặp khớp nhỏ gọi là khớp mặt và các sợi dây chằng, các khớp này cho phép cổ thực hiện các hoạt động di chuyển, xoay, gập, nghiêng đầu.

Ngoài xương, có nhiều cấu trúc quan trọng khác cũng ở vùng cổ, như: dây thần kinh, cơ, động mạch, tĩnh mạch, hệ bạch huyết, tuyến, thực quản và khí quản,… 

Bất kì cấu trúc nào của cổ bị tổn thương cũng có thể gây ra tình trạng đau cổ hoặc đau khớp cổ.

Đau cổ là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt là ở người lớn. Người ta ước tính được rằng, cứ 3 người thì sẽ có 1 người bị đau cổ một năm một lần và phụ nữ thường xuyên bị đau cổ hơn nam giới. Theo một số liệu nghiên cứu năm 2017, trên toàn cầu có khoảng 288,7 triệu người bị đau cổ và tỉ lệ mắc đau cổ tăng dần theo độ tuổi.

Người ta ước tính được rằng, cứ 3 người thì sẽ có 1 người bị đau cổ một năm một lần (Ảnh minh họa)

Các loại đau cổ – triệu chứng

Có 7 loại đau cổ phổ biến, gồm:

☛ Đau cơ. Là cơn đau mỏi cổ xảy ra do vận động quá sức hoặc căng thẳng về thể chất, cảm xúc kéo dài. Loại đau này có đặc điểm là cơ cổ có các nút cứng, cảm giác mềm khi chạm vào, đôi khi được gọi là điểm kích hoạt.

☛ Đau cổ do thắt cơ. Là cơn đau xảy ra do cơ bị siết lại. Bạn cảm thấy như cổ bị căng hoặc thắt chặt, không thể quay đầu. Khi bạn thức dậy với một cái cổ đau và cứng, đó có thể là một cơn co thắt cơ.

☛ Đau đầu – cổ. Triệu chứng của loại này là bạn cảm thấy đau ở phần trên của cổ và phần sau của đầu. Cơn đau đầu kèm theo đau cổ thường có dạng đau âm ỉ hoặc nhức, hiếm khi đau nhói; cổ cảm thấy cứng hoặc mềm, khi di chuyển cổ thì tình trạng đau cảm thấy tồi tệ hơn.

☛ Đau khớp cổ. Cơn đau khớp cổ thường được mô tả là đau sâu, sắc hoặc đau nhức ở các khớp mặt. Khi bạn nghiêng đầu về phía bị ảnh hưởng, cơn đau thường trở nên trầm trọng hơn. Đôi khi, cơn đau có thể lan tới vai hoặc lưng trên. Nếu khớp bị viêm, bạn cũng có thể cảm thấy cơn đau nhức xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau một thời gian dài không vận động cổ.

☛ Đau dây thần kinh. Khi các rễ dây thần kinh cột sống bị chèn ép hoặc kích thích, nó cũng có thể gây ra các cơn đau cổ với đặc điểm: cơn đau sắc nét, dữ dội, thoáng qua, kèm theo cảm giác như kim châm (ngứa ran). Tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng, cơn đau có thể lan bắn xuống cánh tay hoặc thậm chí vào bàn tay, làm yếu cơ, yếu chi.

☛ Đau lan tỏa. Đây là cơn đau xảy ra ở một bộ phận khác trên cơ thể gặp vấn đề. Chẳng hạn: cơn đau cổ trở nên tội tệ hơn khi gắng sức có thể cho thấy có vấn đề về tim; hoặc cơn đau cổ xảy ra khi ăn có thể xuất phát từ vấn đề ở thực quản.

☛ Đau xương. Các cơn đau ở đốt sống cổ thương ít phổ biến hơn cơn đau cổ do mô mềm. Đau xương cần được chăm sóc y tế vì đây có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Dựa vào cách phân loại này, bạn có thể dễ hơn trong việc mô tả cho bác sĩ triệu chứng đau cổ của mình.

Có nhiều loại đau cổ khác nhau, như đau cơ, đau khớp, đau xương, đau do dây thần kinh,… (Ảnh minh họa)

Đau cổ có nguy hiểm không?

Phân loại theo thời gian, đau cổ được chia thành 2 dạng là đau cổ cấp tính và đau cổ mãn tính. Trong đó, đau cổ cấp tính thường rất phổ biến và không có gì đang lo ngại, nó sẽ biến mất sau một khoảng thời gian. Ở một số người, nó tái phát trở lại trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn như sau giờ làm việc hoặc chơi thể thao cường độ cao.

Nếu đau cổ kéo dài trên 3 tháng, nó được gọi là đau cổ mãn tính. Nguy cơ này tăng thường tăng dần theo tuổi tác và đau cổ cũng thường dai dẳng hơn ở những người bị đau lưng hay thoát vị đĩa đệm. Đau cổ mãn tính có thể gây ra những ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt cũng như công việc và cuộc sống của người mắc.

Trong một số trường hợp, đau cổ cũng có thể gây ra tàn tật hoặc là “dấu hiệu đỏ” báo hiệu một bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh lý tủy, bệnh tiểu khung hay ung thư di căn.

Vì thế, nếu bị đau cổ dai dẳng kéo dài hoặc có các triệu chứng của đau khớp cổ, đau dây thần kinh, đau xương cổ. Bạn nên đi lên lịch đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp.

Đau cổ rất hiếm khi là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn khẩn cấp, nhưng nếu bạn có bất kì triệu chứng nào sau đây, cần lập tức cấp cứu:

  • Các triệu chứng phát sinh sau một tai nạn
  • Cứng cổ, không thể cử động
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột
  • Nhức đầu kèm theo buồn nôn, nôn, chóng mặt hoặc nhạy cảm với ánh sáng
  • Cơn đau không đổi, cho dù bạn đang nghỉ ngơi hay di chuyển
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân, sốt hoặc ớn lạnh
  • Có các dấu hiệu tê liệt như ngứa ran hoặc khó cử động cánh tay, ngón tay
  • Yếu chân và khó giữ thăng bằng khi đi bộ

Phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn một số nguyên nhân thường gặp gây đau cổ và mức độ nguy hiểm của nó.

Đau cổ cấp tính thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng trong một số trường hợp, đau cổ cũng có thể gây ra tàn tật hoặc là “dấu hiệu đỏ” báo hiệu một bệnh lý nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân thường gặp

Nguyên nhân đau cổ cấp tính

Đau cổ cấp tính thường là do căng cơ, bong gân, giãn dây chằng. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

Căng cơ do một số hoạt động. Ví dụ, ngồi ở bàn làm việc trong thời gian dài, đặc biệt là những vị trí không thoải mái, có thể gây đau và cứng ở vùng cổ hoặc vai. Ngoài ra, các hoạt động ngửa đầu ra sau cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này, như sơn trần nhà, bơi ếch, đi xe đạp đua,…

Nếu bạn ngồi hoặc nằm ở tư thế sai, bạn cũng có thể bị căng cơ dẫn tới đau cổ.

Chấn thương cổ. Các chấn thương ở vùng cổ do ngã, đòn roi hay tập thể thao cũng là nguyên nhân phổ biến gây đau cổ cấp tính..

Whiplash. Đây là một chấn thương cổ, xảy ra do sự cử động đột ngột. Khi có tác động mạnh từ phía sau, cổ bạn bị giật nhanh về phía trước sau đó giật ngược trở lại, điều này gây ra các chấn thương cơ và mô liên kết, khiến cơ bị căng đau và khó cử động đầu trong vài ngày. Whiplash thường xảy ra sau một vụ tai nạn giao thông trên ô tô hoặc trượt chân ngã.

Hình minh họa chấn thương whiplash

Nguyên nhân đau cổ mãn tính

Đau cổ mãn tính thường khó xác định được nguyên nhân rõ ràng, nhưng các yếu tố góp phần bao gồm tổn thương thần kinh, sẹo mô, viêm hoặc do ảnh hưởng cảm xúc. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

Thoái hóa cột sống cổ. Theo thời gian, các đốt sống ở cổ dần dần bị hao mòn đi; đĩa đệm trở nên phẳng hơn hoặc mất nước khiến nó bị nứt, rách; sụn cũng mất nước một cách tự nhiên và thoái hóa dần; các gai xương có thể hình thành dọc theo thân đốt sống. Tất cả những thay đổi này gây ra các cơn đau cổ theo nhiều cách khác nhau.

Khi các triệu chứng của bệnh thoái hóa cột sống cổ trở thành mãn tính, cơn đau và / hoặc các triệu chứng có thể liên quan đến các tình trạng liên quan đến thoái hóa đĩa đệm, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, viêm xương khớp hoặc hẹp ống sống.

☛ Thoát vị đĩa đệm cổ. Là tình trạng đĩa đệm cột sống cổ bị phình ra hoặc trượt khỏi vị trí bình thường, chèn ép lên rễ dây thần kinh, gây ra các cơn đau cổ lan tỏa vào vai hoặc cánh tay. (Bạn có thể tìm hiểu chi tiết về bệnh tại: Mọi điều cần biết về thoát vị đĩa đệm cột sống cổ)

☛ Các bệnh viêm khớp cột sống. Đau khớp cổ cũng có thể xuất phát từ một số bệnh viêm khớp cột sống, như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gút,…

☛ Nhiễm trùng cột sống cổ. Xảy ra khi vi khuẩn, nấm hoặc virus lây lan theo đường máu vào tủy sống mô. Những tác nhân ngoại lai này có thể tấn công bất kỳ phần nào của cột sống và gây ra những triệu chứng như đau cổ không ngớt, cứng cổ, giảm phạm vi cử động cổ, yếu hoặc tê nếu nhiễm trùng tiến triển và gây chèn ép vào dây thần kinh,…

Có nhiều loại nhiễm trùng cột sống khác nhau, chẳng hạn nhiễm trùng liên quan đến đốt sống được gọi là viêm tủy xương cột sống, nhiễm trùng đĩa đệm được gọi là viêm đĩa đệm; nhiễm trùng có mủ trong ống sống được gọi là áp xe ngoài màng cứng.

Căng thẳng về cảm xúc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những căng thẳng về mặt cảm xúc diễn ra trong một thời gian dài cũng có thể gây đau cơ. Với vị trí gần đầu, cơ cổ chính là cơ dễ bị ảnh hưởng nhất và dễ bị đau nhất. Ngoài ra, những cơn đau cổ mãn tính cũng có thể gây ra mệt mỏi, trầm cảm và cáu kỉnh.

Một số tình trạng mãn tính khác. Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren, vôi hóa sụn khớp, u cột sống cổ (hiếm khi),…

Nếu không tìm được nguyên nhân cụ thể gây đau cổ, các bác sĩ gọi cơn đau là “đau cổ không đặc hiệu”. Tình trạng này thường diễn ra với những cơn đau cổ mãn tính. 

Cách khắc phục đau cổ

Với các cơn đau cổ cấp tính, bạn có thể thực hiện chăm sóc và điều trị tại nhà. Với đau cổ mãn tính, bạn cần phải đi khám để xác định nguyên nhân, từ đó mới có phác đồ điều trị phù hợp.

Tại nhà

☛ Nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi được coi là một trong những liệu pháp đầu tiên và đơn giản nhất đối với chứng đau cổ do căng thẳng hoặc căng cơ. Vì nó làm giảm áp lực ở cổ và tạo cơ hội để phục hồi cơ, khớp và dây chằng.

Bạn có thể nghỉ ngơi toàn thân bằng cách nằm trên giường trong vài ngày (nếu bị căng thẳng) hoặc nghỉ ngơi một phần bằng cách không thực hiện các hoạt động gây ra đau cổ.

Sau khi cơn đau đã đỡ, bạn có thể vận động trở lại và thực hiện một số bài tập thể dục cho cổ.

Hãy nghỉ ngơi vài ngày nếu bạn đang bị đau cổ, đau đầu do căng thẳng (Ảnh minh họa)

☛ Chườm nóng hoặc lạnh. Nếu bị đau cổ do co thắt cơ, căng cơ hoặc đau do một số bệnh lý mãn tính, bạn có thể chườm nóng để giảm đau. Nếu bị đau cổ do chấn thương, 1-2 ngày đầu bạn có thể chườm lạnh nhiều lần trong ngày để giảm sưng tấy, phù nề; sau khi hết sưng viêm có thể tiến hành chườm nóng.

☛ Vận động hợp lý. Nghỉ ngơi sau đó vận động sớm có thể giúp giảm đau ở những người bị chấn thương cổ. Bạn có thể vận động bằng cách thực hiện các động tác thể dục cổ.

Tập thể dục cổ. Có một số bài tập đơn giản giúp giảm đau cổ rất hiệu quả. Bạn có thể tham khảo 2 video dưới đây của chúng tôi.

Lưu ý: Các bài tập kéo giãn nên được thực hiện hằng ngày, một số bài tập có thể thực hiện nhiều lần trong ngày, mỗi lúc thay đau mỏi cổ; mỗi bài tập nên được thực hiện từ 30 giây tới 1 phút. Các bài tập tăng cường nên được thực hiện 3 lần/tuần. Các bài tập này có thể gây một số khó chịu khi mới tập luyện nhưng đó là điều bình thường. Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy cơn đau trở nên tồi tệ hơn sau khi tập, hãy dừng lại và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Video 1: Bài tập kéo giãn giúp giảm đau cổ, vai, gáy

Video 2: Bài tập tăng cường cho chứng đau cổ, vai gáy

☛ Chú ý tư thế đúng. Hãy kiểm tra lại tư thế hoặc thói quen hằng ngày của bạn, chẳng hạn ngồi ở tư thế cúi đầu trong thời gian dài, nằm dài trên sô-pha xem TV, ngủ trên bàn làm việc,… Nếu có các tư thế xấu này, bạn cần phải điều chỉnh lại và tìm hiểu các tư thế đúng khi ngồi, nằm và đứng để thực hành và tập thành thói quen tốt.

☛ Xoa bóp cổ. Xoa bóp là một cách đơn giản khác để khắc phục chứng đau cổ do căng cơ tại nhà. Bạn có thể tham khảo các hướng dẫn xoa bóp này tại một số website uy tín.

☛ Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Để kiểm soát cơn đau nhẹ đến trung bình, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc uống giảm đau không kê đơn như paracetamol, các thuốc chống viêm không steroid ( NSAID ) (ibuprofen, naproxen hoặc aspirin).

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc dạng ngoài da như miếng dán salonpas, kem bôi Capzasin-HP, dầu xoa bóp Icy Hot,…

Thuốc giảm đau không kê đơn có chứa paracetamol

Điều trị y tế

Có nhiều phương pháp điều trị y tế khác nhau cho đau cổ. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ, bác sĩ có thể kê một hoặc kết hợp nhiều phương pháp dưới đây:

☛ Thuốc. Chẳng hạn: thuốc chống viêm không steroid dạng kê đơn, opioids, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống thấp khớp, thuốc steroid…

☛ Sử dụng nẹp cổ hoặc vòng cổ. Đây là các dụng cụ giúp hỗ trợ cổ được bác sĩ chỉ định nếu cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên, chúng không được khuyến khích sử dụng lâu dài, vì có thể làm suy yếu các cơ ở cổ của bạn.

☛ Vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu có thể giúp bạn trong tất cả các giai đoạn chữa bệnh, từ chẩn đoán ban đầu đến giai đoạn phục hồi và dự phòng. Vì thế, nó có thể là một lựa chọn điều trị độc lập hoặc có thể hỗ trợ các phương pháp điều trị khác.

Với chứng đau cổ, vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau, cải thiện khả năng vận động của cổ, phục hồi sau chấn thương, tránh phẫu thuật, phòng ngừa bệnh,…

☛ Châm cứu. Đây cũng là một phương pháp đáng để thử nếu bạn bị đau cổ. Châm cứu đã có lịch sử y tế hàng ngàn năm và được khoa học hiện đại chứng minh là có thể giúp giảm đau trong nhiều tình trạng. Bởi nó giúp giải phóng endorphin – một hóa chất giảm đau tự nhiên của cơ thể và ảnh hưởng đến phần não chi phối serotonin – một chất hóa học não liên quan đến tâm trạng.

☛ Tiêm. Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn khác thất bại và bạn cũng chưa muốn phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid.

☛ Phẫu thuật. Chỉ được xem xét nếu đã tìm ra nguyên nhân rõ ràng gây đau cổ và thủ thuật này có thể mang lại hiệu quả giảm đau. Chẳng hạn: nếu mô đĩa đệm cột sống bị chèn ép có thể tiến hành phẫu thuật. Còn đĩa đệm bị thoát vị thường tự cải thiện, vì vậy phẫu thuật thường không mang lại lợi ích lớn nào.

Phẫu thuật cột sống vùng cổ cũng tiềm ẩn những rủi ro, vì vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng ưu – nhược điểm của phẫu thuật trước khi quyết định.

Đau nhức cổ bao lâu thì khỏi?

Đau cổ cấp tính sẽ khỏi trong vài ngày hoặc vài tuần, nhưng nó cũng có thể trở thành mãn tính ở khoảng 10% bệnh nhân. Các chấn thương do ngã hay chơi thể thao có thể cần thời gian phục hồi lâu hơn, tùy thuộc vào lực va chạm. Vấn đề thường kéo dài hơn và trầm trọng hơn ở những người bị sang chấn tâm lý do tai nạn hoặc lo lắng nhiều về hậu quả. Đôi khi một số người có thể vẫn thấy các triệu chứng sau 15 năm kể từ khi tai nạn xảy ra.

Tổng kết

Đau cổ hay đay đau khớp cổ là một triệu chứng thường gặp và không quá nguy hiểm. Trong đa số các trường hợp, bạn có thể khắc phục bệnh tại nhà. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng sưng không thuyên giảm sau vài ngày hoặc triệu chứng đau không thuyên giảm sau vài tuần, bạn nên đi khám.

Bài viết liên quan