Ngay từ thời thượng cổ, cha ông ta đã phát hiện được những cây thuốc quý có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị bệnh lý xương khớp. Chúng đã được ghi chép lại trong các sách y thời đó và truyền cho đời sau. Bài viết dưới đây, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc một số cây thuốc chữa đau xương khớp hiệu quả để tham khảo.
Thuốc nam và thuốc bắc khác nhau thế nào
Thuốc bắc là cách gọi ở Việt Nam để chỉ các loại thuốc được sử dụng trong đông y của Trung Quốc. Tại Trung Quốc, các loại thuốc này được gọi là Trung dược (中药 – zhōngyào) hay Hán dược (汉药, 漢藥), v.v…
Thuốc nam là thuốc theo Y học Cổ truyền Việt Nam (một ngành y học thuộc Đông y nhưng nguồn gốc từ Việt Nam thay vì từ Trung Hoa). Các vị thuốc trong các bài thuốc nam chính là những cây trồng bản địa quen thuộc của người Việt, chứ không phải là các loại cây xa lạ. Một số nơi ở miền Nam còn gọi thuốc Nam là thuốc vườn, thuốc ta, vì có thể kiếm quanh vườn.
Thuốc nam thường chuộng cách dùng nguyên liệu ở dạng tươi hoặc sấy khô chứ không nấu ra thành cao hoặc bào chế cầu kỳ như thuốc bắc.
Như vậy, hiểu cơ bản, thuốc bắc là thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc; còn thuốc Nam là các bài thuốc của Việt Nam, sử dụng nguyên liệu bản địa tại Việt Nam.
Chữa đau xương khớp bằng thuốc nam – Cần lưu ý!
Các vị thuốc trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, bạn không nên tự ý mua hoặc hái về sử dụng khi chưa có sử chỉ định của bác sĩ. Bởi:
Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, thuốc nam, thuốc bắc cũng thuốc tây, đều cần phải được thăm khám bởi bác sĩ, sau đó dựa vào tình trạng bệnh mới bốc thuốc và chỉ dẫn cách sử dụng. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, hiện nay có hai loại người làm thuốc.
Một loại chỉ có kinh nghiệm chữa bệnh, cha truyền con nối, không biết hoặc biết rất ít lý luận. Thậm chí, thời gian gần đây còn nổi lên rất nhiều “thầy lang mạng”, “thầy lang băm”, họ không biết một chút kiến thức nào về y học nhưng vẫn ngang nhiên chẩn bệnh, bốc thuốc, quảng cáo sản phẩm với tác dụng “trên trời”, bởi mục đích của họ chỉ là để bán càng nhiều sản phẩm càng tốt. Nhưng sản phẩm của họ cũng chưa rõ nguồn gốc ra sao, thành phần thế nào.
Loại thứ hai là biết dùng thuốc nhưng thêm phần lý luận. Những người này trong quá trình khám chữa bệnh đều biết vận dụng lý luận đặc biệt của y học cổ truyền, biết biện chứng luận trị để kê đơn thuốc phù hợp với thể trạng của bệnh nhân, biết bốc thuốc căn cứ vào triệu chứng và căn nguyên bệnh mà mình chẩn đoán được bằng phương pháp tây y. Thậm chí, những người này còn biết dựa vào tính vị công năng của từng vị thuốc mà thay đổi cho thích hợp, chủ động được những vị thuốc có sẵn tại địa phương.
Ngoài ra, biết đúng cây thuốc rồi nhưng không phải cứ thu hái bừa bãi về là sử dụng được. Vì để thuốc phát huy được hiệu lực tối đa, cần phải thu hái đúng mùa; sử dụng đúng bộ phận; chế biến đúng phép.
Vậy nên, công tác thăm khám bởi những người có chuyên môn trước khi sử dụng thuốc; cách thu hái và bào chế thuốc là việc hết sức quan trọng.
Nếu muốn chữa bệnh bằng thuốc Nam, bạn có thể tới thăm khám tại một số bệnh viện y học cổ truyền uy tín tại Việt Nam, như:
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương; Viện Y học Cổ truyền Quân đội; Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội; Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Quân đội 108; Bệnh viện Châm cứu Trung ương; …
- Tại Hồ Chí Minh: Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền TP.HCM; Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh; Viện Y Học Cổ Truyền Quân Đội Phân Viện Tp Hồ Chí Minh; Bệnh Viện Công An Tp. Hồ Chí Minh – Khoa Y Học Cổ Truyền; Viện Y Dược học dân tộc TP.Hồ Chí Minh…
Một số cây thuốc nam chữa đau nhức xương khớp
Theo quyển những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, các cây thuốc và vị thuốc nam có thể dùng để chữa tê thấp và đau nhức là:
|
|
Tuy nhiên, chúng tôi không thể đưa hết các cây thuốc trên vào bài viết mà chỉ giới thiệu tới các bạn những vị thuốc nam phổ biến và tiêu biểu nhất. Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn và đầy đủ hơn, bạn có thể đọc thêm trong sách của GS. Lợi.
Hy thiêm
Còn gọi là cây cứt lợn, cỏ dĩ, hy tiên, chư cao hay nụ áo rìa,… Tên khoa học là Siegesbeckia orientalis L. Lưu ý rằng, cây Hy thiêm không là cây cứt lợn thuộc họ Cúc có tên khoa học Ageratum conyzoides L. mà ta dùng để chữa bệnh phụ nữ.
Hy thiêm là một loại cỏ sống hàng năm, cao chừng 30-40 cm, đến 1m, có nhiều cành, lông tuyến. Cây mọc hoang ở khắp các tỉnh thành trên nước ta, có mọc và được dùng ở cả Trung Quốc, Nhật Bản, Philipin, châu Úc và nhiều nước khác.
Theo các tài liệu cổ, Hy thiêm có vị đắng, tính hàn, hơi độc, vào hai kinh can và thận, có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt. Được nhân dân sử dụng làm thuốc chữa tê thấp, đau nhức xương, gân cốt nhức lạnh, lưng gối tê dại, yếu chân, toàn thân bất toại.
Thu hái và chế biến. Cây Hy thiêm được thu hái vào tháng 4-5 hoặc khi nó chưa ra hoa, tùy vào từng địa phương. Cây đem về phơi khô trong mát, bó thành từng bó nhỏ. Trong Bản thảo cương mục có ghi, cây này phải nấu và phơi 9 lần mới tốt, dùng tươi có thể gây nôn mửa.
Một số đơn thuốc chữa đau nhức xương khớp có Hy thiêm:
– Viên Hy thiêm chữa bán thân bất toại. Thu hái là và cành non của cây trước khi ra hoa, đem sao vàng tán bột. Thêm mật vào viên thành viên to bằng hạt ngô. Sau bữa ăn, uống 3-6g viên này (nếu uống được rượu thì dùng rượu để chiêu thuốc).
– Chữa viêm khớp do phong thấp, tay chân tê, gân cốt nhức mỏi. Hy thiêm 3 chỉ, Bạch mao đằng 3 chỉ, Xú ngô đồng hoặc Ngưu tất 5 chỉ. Sắc uống hằng ngày.
– Chữa đau nhức xương khớp. Bột Hy thiêm 10 lượng, bột Thiên niên kiện 3 lượng, bột Xuyên khung 2 lượng. Trộn lại thành viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4-5 viên, uống cách xa bữa ăn.
– Chữa viêm đa khớp dạng thấp. Hy thiêm 4 lượng đem sắc lấy nước cốt, thêm đường đen, cô lại thành cao. Chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi lần 1 chén trà nhỏ.
Thổ phục linh
Còn gọi là củ kim cang, củ khúc khắc. Tên khoa học là Smilax glabra Roxb.
Thổ phục linh là loại cây sống lâu năm, dài 4-5m, có nhiều cành nhỏ, gầy, không gai, thường có tua cuốn dài. Cây mọc hoang ở khắp nơi trên nước ta.
Thổ phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình, vào 2 kinh can và vị. Được nhân dân sử dụng để chữa phong thấp, đau nhức xương khớp. Loại cây này được dùng trong cả đông y và tây y. Trong tây y cây có tên gọi là Salsepareille.
Thu hái và chế biến. Thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu đông. Người ta sử dụng thân rễ của cây để làm thuốc. Rễ cây sau khi đào về còn đang ướt thì rửa sạch, thái mỏng sau đó phơi khô. Có nơi phơi nguyên cả củ.
Một số đơn thuốc chữa phong thấp, thấp khớp có Thổ phục linh
– Bài thuốc 1: Thổ phục linh 20g, hy thiêm 16g, cỏ nhọ nồi 16g, ngưu tất 12g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sắc uống ngày một thang.
– Bài thuốc 2: Thổ phục linh 16g, rễ tầm xuân 12g, rễ bưởi bung 12g, rễ cỏ xước 12g, rễ gấc 8g, lá cốt xay 8g, lá lốt 8g, rễ gai tâm xoong 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
Lá lốt
Còn có tên gọi là ana klùa táo (Buôn Mê Thuột). Lá lốt có tên khoa học là Piper lolot C. DC, thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.
Lá lốt là một loại cây thân mềm, có thể mọc cao tới 1m, thân hơi có lông. Cây lá lốt được trồng nhiều ở nước ta và là loại gia vị quen thuộc trong nấu ăn. Không chỉ vậy, lá lốt còn là một vị thuốc nam quen thuộc trong nhân dân, được sử dụng để làm thuốc sắc uống chữa đau xương khớp, tê thấp, thấp khớp cùng nhiều bệnh khác.
Theo một số nghiên cứu của khoa học hiện đại, lá lốt có nhiều tinh dầu cùng các hoạt chất chống oxy hóa như flavonoid, alcaloid. Hai chất này tác động trực tiếp vào cơ chế gây đau nhức xương khớp, từ đó giúp giảm đau, sưng và viêm tấy.
Thu hái và chế biến. Nếu sử dụng lá, có thể thu hoạch quanh năm, còn dùng rễ thì thường thu hoạch vào tháng 8-9. Có thể dùng tươi hoặc hái về phơi khô để dành dùng dần.
Một số bài thuốc chữa đau tay chân, đau khớp, đau lưng có thành phần lá lốt:
– Chữa tay chân đau nhức. Lấy lá lốt, rễ bưởi bung, rễ vòi voi, cỏ xước, đem thái nhỏ, sao vàng. Rồi lấy mỗi vị đều nhau 15g khô, Sắc với 600 ml nước. Cô cho đến khi còn 200ml thì dừng lại. Chia thuốc làm 3 lần uống trong ngày.
– Chữa đau lưng. Đào 200g rễ lá lốt, rửa sạch, cắt khúc hoặc để nguyên. Đem ngâm với 1,5 lít rượu gạo trong 1 tháng là dùng được. Khi dùng, lấy rượu ngâm rễ lá lốt thoa đều lên vùng lưng bị đau nhức, đặc biệt là vùng thắt lưng, dọc cột sống. Vừa xoa rượu vừa dùng tay bóp nhẹ nhàng để thuốc ngấm. Lưu ý: Không áp dụng cho người bệnh có làn da mỏng hoặc da đang có vết thương hở, lở loét.
– Chữa đau khớp. Lá lốt khô 5 – 10g hoặc lá lốt tươi 15 – 30g, đem sắc với 400 ml. Cô cho còn 200ml. Uống nước sắc này sau mỗi bữa ăn tối và không được để thuốc qua đêm.
☛ Tìm hiểu thêm: Cách sử dụng lá lốt chữa bệnh đau nhức xương khớp hiệu quả
Cẩu tích
Còn gọi là rễ lông cu ly, kim mao cẩu tích, cẩu tồn mao, cây lông khỉ. Tên khoa học là Cibotium barometz (L.) J. Sm.
Cây cẩu tích là một loại quyết thực vật, có khi cao tới 2,5m. Lá dài đến 2m, phủ bởi nhiều vảy vàng bóng. Thân rễ cây có lông tơ màu vàng bao phủ, trông tựa như con chó con hay con cu ly. Cây này mọc hoang khắp nơi ở vùng rừng núi Việt Nam, Campuchia, Phillipin, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến (Trung Quốc).
Theo các ghi chép trong tài liệu xưa, cẩu tích có vị đắng, ngọt, tính ôn, vào 2 kinh can và thận. Vì thế được nhân dân sử dụng để trừ phong thấp, phong hàn, thấp tỳ, đau lưng, mỏi chân.
Thu hái và chế biến. Cây có thể được thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào cuối thu sang đông. Khi thu hái về đem rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cuống lá và lông vàng phủ xung quanh thân rễ, thái mỏng, phơi khô. Có khi đồ với hơi nước nhiều lần rồi mới đem phơi, làm như vậy nhiều lần; có khi đồ với đậu đen chín lần, chín lần phơi rồi mới thái mỏng phơi khô.
Một số bài thuốc có cẩu tích để chữa đau nhức:
– Chữa đau nhức ngang lưng. Cẩu tích 15g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 10g, sinh mễ nhân 12g, mộc qua 6g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Nếu uống được rượu có thể thêm 20ml rượu trong khi uống.
– Chữa đau lưng, gân mạch khớp chân khó cử động. Cẩu tích, đỗ trọng, khương hoạt, nhục quế mỗi vị 3g; tỳ giải, chế phụ tử, ngưu tất mỗi vị 50g; tang ký sinh 40g. Đem tất cả ngâm với 1.500 ml rượu trắng trong 1 tuần. Khi sử dụng, lọc phần trong để uống.
– Trị đau các khớp xương do rét ẩm. Cẩu tích 12g, ô đầu chế 12g, tỳ giải 12g, tô mộc 8g. Tán bột làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 8g, chiêu với nước đun sôi.
– Chữa khí huyết đều hư, cảm gió ẩm, đau khớp và tứ chi, thân thể đều đau. Cẩu tích 12g, ngưu tất 12g, mộc qua 12g, tang chi 12g, tùng tiết 12g, tần cửu 12g, quế chi 12g, đương quy 12g, hổ cốt 12g, thục địa 12g. Sắc với nước hoặc ngâm rượu, uống.
Cây hàm ếch
Còn gọi là tam bạch thảo, đường biên ngẫu. Tên khoa học là Saururus sinensis Baill. (Saururus loureiri Decne).
Cây hàm ếch là một loại cỏ sống lâu năm, ưa mọc ở những nơi ẩm ướt, cao từ 30-70 cm. Loại cây này mọc hoang ở khắp những nơi ẩm thấp, ruộng trũng, khe lạnh ở miền Bắc nước ta.
Cây hàm ếch được nhân dân ta sử dụng để chữa bệnh cước khí (chân sưng, đau nhức xương khớp, thở gấp,…), bệnh dạ dày, bệnh tiểu tiện khó, lở loét,…
Bài thuốc có cây hàm ếch để chữa đau nhức xương khớp:
– Chữa đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết. Lấy 30g hàm ếch, rửa sạch đun sôi với 500ml nước, uống thay trà hàng ngày. 1 tuần là 1 liệu trình.
Kết luận
Ngày nay, Y học cổ truyền Việt Nam với các vị, các cây thuốc nam vẫn là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa cộng đồng nước ta. Nó gắn liền với những kinh nghiệm phòng chữa bệnh đã có lịch sử lâu đời, với nguồn dược liệu phong phú, phù hợp với khí hậu, bệnh tật con người Việt Nam. Tuy nhiên, để sử dụng các vị thuốc này một cách có hiệu quả và an toàn, cần phải kết hợp với cả y tế khoa học hiện đại, có sự nghiên cứu rõ ràng, chứ không phải cứ dùng bừa bãi là được.
Vì thế, bạn hãy tỉnh táo trong việc sử dụng thuốc và nên tới khám tại các cơ sở Đông Y uy tín để được chẩn bệnh và kê đơn thuốc phù hợp.
Nguồn bài viết:
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Y_học_Cổ_truyền_Việt_Nam
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Thuốc_Bắc
- https://tambinh.vn/cay-hy-thiem-vi-thuoc-giup-tieu-tan-benh-xuong-khop/
- https://suckhoedoisong.vn/cau-tich-bo-than-cuong-gan-cot-n69404.html
- https://suckhoedoisong.vn/tri-dau-nhuc-xuong-khop-do-thay-doi-thoi-tiet-voi-cay-ham-ech-n93764.html
- Sách: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS. TS. Đỗ Tất Lợi.