Gai cột sống hay gai đốt sống là tình trạng thường thấy ở người cao tuổi, khi cột sống bắt đầu bị thoái hóa hình thành nên các gai xương mọc ra phía ngoài và hai bên của cột sống. Vậy nguyên nhân hình thành gai cột sống là gì? Gai cột sống có ảnh hưởng gì không? Hãy cùng tìm hiểu tất tần tật về gai cột sống thông qua bài viết dưới đây nhé!
Gai cột sống là bệnh lý gì?
Có 2 cách giải thích cho gai cột sống:
1. Sự bù đắp của canxi và tế bào xương trong quá trình bào mòn: Sự bù đắp này do kém đồng đều tạo thành phần xương dư thừa. Các xương thừa này thường theo hàng dọc như 1 bờ rào ở vùng rìa xương đốt sống.
2. Sự tăng sinh làm dày dây chằng: Xảy ra khi các đĩa đệm trở nên mềm ra. Để cố gắng giữ cột sống trở lại bình thường dây chằng sẽ dần dần dày lên. Khi đó các dây chằng này có xu hướng bị vôi hóa, dẫn đến tích tụ canxi tạo thành các gai xương ở rìa.
Bản thân sự tăng sinh rìa xương không gây đau đớn hay gây ra triệu chứng bất kì nào. Chỉ khi các gai xương này tăng sinh to lên và chèn ép vào các vùng cơ xương xung quanh, hoặc chèn ép vào dây thần kinh và tuỷ sống thì cơn đau mới xuất hiện. Thông thường, cơn đau do đâm vào thần kinh, tuỷ sống sẽ gây đau đớn dữ dội, dai dẳng hơn cả.
Nguyên nhân gây ra gai cột sống
Nguyên nhân gây ra gai cột sống là chưa rõ ràng, tuy nhiên đa số các nhà khoa học tin rằng khi xảy ra thoái hoá hoặc huỷ xương, cơ thể sẽ cố gắng bù đắp lại lượng xương mất đi và tăng khả năng bảo vệ xương khớp (Theo Spine-Health).
Các nguyên nhân thường gặp:
Thoái hoá cột sống: Gai cột sống là một biến chứng rất thường gặp trong thoái hoá cột sống. Tần xuất nhiều đến nỗi gai cột sống là bệnh lý dùng để đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh thoái hoá cột sống.
Viêm cột sống lâu ngày: Gây huỷ xương, từ đó kích thích tạo gai xương, đặc biệt là viêm cột sống dính khớp.
Sự lắng đọng canxi: Gây ra do quá trình cọt sát xương, hoặc tăng sinh canxi xương. Chính các canxi khi tích tụ đủ nhiều có thể hình thành gai cột sống.
Do các yếu tố nguy cơ như:
- Tuổi tác:Thường gặp tuổi trên 55.
- Dị dạng cột sống bẩm sinh: Cột sống chúng ta sẽ được phân phối chịu lực tuy nhiên 1 số bệnh nhân do dị dạng sự phân bố cân năng cơ thể không đều gây tổn thương sớm và sinh ra gai xương.
- Gien di truyền: Thường do các gien gây ra tình trạng yếu cột sống, hoặc tăng sinh quá độ canxi.
- Chấn thương: tại nạn giao thông, chấn thương do lao động
- Béo phì
- Chế độ ăn
- Hoạt động thể thao cường độ cao
- Hay sử dụng rượu bia
- Hút thuốc
Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn ở cột sống: Bệnh gút, Lupus ban đỏ
Khi bị gai cột sống bạn sẽ có triệu chứng gì?
Một số triệu chứng thường gặp khi bạn bị gai cột sốt:
Đau âm ỉ tại cột sống: Do sự chèn ép của gai xương vào các vùng xung quanh.
Cứng cổ, lưng: Cơn đau sẽ khiến người bệnh hạn chế xoay cổ, lưng việc này lâu dần sẽ khiến các khớp xoay này bị cứng
Đau nhức đầu: Thường do gai cột sống cổ chèn ép vào dây thần kinh dẫn truyền, gây cơn đau đầu âm ỉ rất khó chịu
Các triệu chứng do chèn ép thần kinh:
- Đau dọc theo dây thần kinh: Kiểu đau này rất điển hình ở những bệnh nhân bị chèn ép dây thần kinh, và đôi lúc nhờ kiểu lan của cơn đau sẽ cho bạn gợi ý về vị trí của gai cột sống.
- Tê bì và ngứa châm chích
- Cảm thấy chân tay mất khéo léo, làm việc khó khăn hơn
- Yếu, liệt tay chân
Các triệu chứng do chèn ép tuỷ:
- Mất thăng bằng cơ thể
- Mất tự chủ tiêu, tiểu
- Tê cả vùng tay, chân khi cúi người
Một số triệu chứng thường gặp khác: Dễ cáu gắt, thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc.
Một số triệu chứng hiếm gặp: Khó nuốt, đau bụng, đầy hơi, chuột rút,…
Các triệu chứng lên sẽ tăng lên khi vận động và giảm nhẹ khi nghỉ ngơi. Giống với cơn đau do thoái hoá khớp, đau do gai cột sống sẽ nhiều vào buổi sáng.
Làm sao để chắc chắn bạn bị gai cột sống
Đương nhiên, nếu tại nhà bạn chỉ có thể nghi ngờ bản thân mắc căn bệnh gai cột sống. Hơn nữa, gai cột sống có triệu chứng rất giống với bệnh thoát vị đĩa đệm. Do đó cần phải đến bệnh viện thăm khám và phân biệt 2 căn bệnh này!
Chỉ khi đã thăm khám và chụp hình cận lâm sàng, bác sĩ mới có thể chẩn đoán chính xác liệu bạn có mắc gai cột sống hay không, và mức độ gai cột sống nặng nhẹ thế nào.
Hiện nay có 2 phương tiện chẩn đoán bằng hình ảnh rất phù hợp cho gai đốt sống đó là X-quang và MRI (chụp cộng hưởng từ), CTscan (chụp cắt lớp) có thể dùng chụp thay cho X-quang:
X-quang (hoặc CTscan): Sẽ đánh giá mức độ thoái hoá cột sống, đồng thời nhìn thấy được gai xương và khu vực mà gai đốt sống này chèn ép.
MRI: Sẽ đánh giá được mức độ nặng nhẹ của chèn ép tuỷ sống.
Xét nghiệm điện cơ (EMG): Đánh giá độ chèn ép của gai cột sống lên rễ dây thần kinh.
Kèm theo một số xét nghiệm cơ bản cho bệnh lý cơ xương khớp gây ra gai cột sống.
Gai cột sống có nguy hiểm không?
Gai cột sống thường không có biến chứng trực tiếp lên tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên việc gây chấn thương trực tiếp vào tuỷ sống sẽ ảnh hưởng cực kì lớn đến khả năng sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một số tổn thương nặng ở vùng tuỷ sống và thần kinh cột sống sẽ gây ra mất vận động vĩnh viễn. Đặc biệt, các tổn thương cột sống ở trên cao (Cổ hay lưng) có thể khiến người bệnh liệt toàn bộ vùng cơ thể, mất tự chủ trong tiêu tiểu.
Các triệu chứng sẽ tăng qua từng giai đoạn bệnh như sau:
Giai đoạn sớm: Không có triệu chứng gì, hoặc đau tại chổ do sự chèn ép, tạo áp lực khi tăng sinh gai xương
Giai đoạn giữa:
- Đau lan theo thần kinh: Lúc này gai cột sống đã chèn ép vào rễ thần kinh
- Đau dữ dội kèm theo tê bì tay chân: Chèn ép và tuỷ sống
Giai đoạn muộn:
- Khi này gai xương đã đâm vào tuỷ sống gây ra đầy đủ các triệu chứng chèn ép tuỷ kể trên.
- Mất trương lực cơ (sức cơ yếu, cơ mềm): Có thể mất tự chủ tiêu, tiểu.
- Liệt hoàn toàn: Khi vào giai đoạn này tổn thương nặng lên tuỷ sống gây ra liệt hoàn toàn toàn bộ vùng dưới mức tổn thương (Tuỷ sống từ C6 tổn thương thì liệt toàn thân, L5 tổn thương thì liệt từ thắt lưng trở xuống).
Gai cột sống có chữa được không?
Như đã chia sẻ, bản thân gai cột sống cũng như thoái hoá cột sống là tình trạng không thể tránh khỏi ở người lớn tuổi. Do đó để đảo ngược tổn thương giúp cột sống trở lại trạng thái ban đầu là không thể.
Tuy nhiên, việc điều trị sẽ làm chậm đi rất nhiều sự thoái hoá cột sống và tăng sinh gai cột sống. Chỉ cần có 1 chiến lược điều trị hợp lý và phù hợp cho từng cá nhân, căn bệnh gai cột sống sẽ không còn là nỗi lo cho bạn và người thân.
Các phương pháp điều trị gai cột sống
Hiện nay, điều trị gai đốt sống xoay quanh 3 nhóm điều trị chính nhằm bảo vệ cột sống cổ, tránh tái phát:
- Điều trị không dùng thuốc và cố gắng tập luyện trị liệu để giảm cơn đau.
- Điều trị gai cột sống dùng thuốc: Chủ yếu tập trung vào 2 nhóm giảm đau và kháng viêm.
- Phẫu thuật là phương án cuối cùng và rất hiếm gặp, thường chỉ được chỉ định khi gai đốt sống quá to, hoặc gây ra những biến chứng thần kinh nặng nề.
Điều trị không dùng thuốc
1.Thay đổi hoạt động hằng ngày
Đây là phương pháp điều trị gai cột sống tại nhà mà bạn có thể thực hiện nhờ việc đơn giản và đạt hiệu quả cao. Chỉ những thay đổi nhỏ về tư thế hoạt động hằng ngay thôi cũng đủ giảm áp lực lên vùng cột sống của bạn và ngăn cản sự phát triển của gai cột sống rồi đấy!
Tư thế: Nên thẳng lưng tránh khom lưng lâu. Việc thẳng lưng sẽ giúp phân phối đều sức nặng cơ thể lên toàn bộ cột sống. Khi nghỉ ngơi nên nằm cao đầu tránh chêm gối hay mền dưới lưng khi nằm.
Hoạt động thể thao: Khi bị gai cột sống bạn nên tránh hoàn toàn các môn có nhún nhảy nhiều, và các môn thể thao phải mang vác nặng như cử tạ. Nên tập các môn thể thao như bơi lội, yoga, đi bộ nhẹ,…
Nghỉ ngơi: Hãy nghỉ ngơi ngay khi bạn thấy đau lưng, thêm thời gian nghỉ giải lao khi làm việc.
Chườm lạnh hoặc chườm nóng: Chườm lạnh sẽ giúp giảm các cơn đau do viêm sưng, trong khi đó chườm nóng sẽ giúp bạn giảm được cơn đau do thần kinh.
2.Châm cứu
Châm cứu là một phương pháp y học cổ truyền rất hiệu quả trong việc quản lý cơ đau cổ và lưng do gai đốt sống. Với độ an toàn cao hơn so với sử dụng thuốc, những năm gần đây châm cứu đang ngày một chiếm ưu thế khi điều trị cho các cơn đau cơ xương khớp nói chung.
Châm cứu sẽ giảm cơn đau thông qua:
- Giải phóng các peptit opioid: Opioid là chất hóa học tự nhiên trong não có tác dụng giảm đau. Việc giải phóng các opioid này đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế cơn đau ở mức tối đa.
- Tăng bài tiết chất dẫn truyền thần kinh và các tế bào thần kinh: Châm cứu được cho là có tác dụng kích hoạt vùng dưới đồi và tuyến yên và do đó làm thay đổi quá trình tiết các chất hóa học này. Những hóa chất đặc biệt này đóng một vai trò trực tiếp trong cảm giác đau.
- Kích thích các điểm điện từ của thần kinh. Trên lý thuyết, có khoảng 2.000 huyệt đạo trên cơ thể. Châm cứu sẽ tập trung vào những huyệt đạo dẫn truyền tín hiệu điện từ quan trọng. Kích thích các khu vực này sẽ làm tăng tiết endorphin – chất giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Theo nghiên cứu của Trung tâm học thuật Y Tế Seatle
3.Một số phương pháp vật lý trị liệu
Tập phục hồi chức năng là một trong 3 nhóm điều trị quan trọng trong bất cứ căn bệnh về xương khớp nào. Các phương pháp vật lý trị liệu không chỉ giảm đau mà còn tăng được yếu tố bảo vệ cột sống và ngăn chặn tăng sinh gai cột sống.
Một số phương pháp vật lý trị liệu thường dùng trong gai đốt sống là:
- Đèn nhiệt, chiếu hồng ngoại
- Kéo dãn cột sống
- Suối khoáng
- Bùn nóng
Theo Phác đồ điều trị bệnh cơ xương khớp Bộ Y Tế
4.Tập thể dục phục hồi chức năng
Tập các bài tập phục hồi chức năng cũng là một trong những phương pháp giảm đau hữu hiệu cho gai cột sống và đương nhiên bạn đọc hoàn toàn có thể tập tại nhà.
Mục đích của các bài tập này sẽ là tăng cường dẻo dai và sức chịu đựng cho vùng cơ lưng và dây chằng. Đồng thời cũng sẽ làm tăng cường hoạt động tuần hoàn giúp chữa lành tổn thương.
Baovexuongkhop xin chia sẻ tới bạn đọc 2 nhóm bài tập cho cột sống cổ và cho vùng thắt lưng.
Các bài tập cho cột sống cổ:
a/Nhẹ nhàng nới rộng cột sống cổ: Tư thế ngồi, nhìn lên trên và ngửa đầu về phía sau trong khi giữ cho vai và lưng cố định. Khi đầu đã lùi hết mức có thể mà không làm tăng cơn đau, hãy cố gắng giữ tư thế căng trong 5 giây trước khi đưa đầu về vị trí trung lập.
b/Động tác cúi gằm: Dần dần hạ cằm cố chạm ngực và nhìn xuống. Vai, lưng giữ cố định. Khi đầu đã cúi về phía trước hết mức, hãy giữ tư thế căng trong 5 giây trước khi trở lại vị trí trung lập.
c/Xoay cổ: Trong khi giữ yên lưng và vai, quay đầu từ từ sang trái hết mức có thể mà không gây đau. Khi đầu đã đạt đến giới hạn, giữ căng trong 5 giây trước khi đưa đầu trở lại vị trí trung lập. Thực hiện lặp lại ở bên phải.
Các bài tập trên thực hiện lặp lại 2-3 lần, không đi lại ngay sau khi tập để tránh ngã do mất thăng bằng.
Các bài tập cho cột sống thắt lưng:
a/ Căng cơ lưng 1 bên: Nằm ngửa, co đầu gối và chống cả hai chân xuống sàn, sau đó đặt hai tay ra sau một bên chân và kéo về phía ngực, kéo căng cơ mông. Thực hiện lặp lại với bên chân còn lại. Giữ nguyên từng bên chân trong 5 giây
b/ Bài tập Piriformis: Nằm ngửa, co chân và chống 2 chân xuống sàn, Gác chân phải lên chân trái, sao cho mắt các ngoài chân phải chạm vào đầu gối chân trái. Dùng 2 tay kéo cả chân trái về phía bụng đến khi cảm thấy căng ở bắp chân và lưng thì giữ nguyên trong 5 giây. Thực hiện với ngược lại với chân trái.
c/ Căng cơ lưng: Nằm ngửa, kéo cả hai đầu gối vào ngực đồng thời gập đầu về phía trước cho đến khi cảm thấy căng nhẹ ở lưng. Giữ nguyên trong 5 giây và đưa về tư thế nằm.
Lưu ý khi thực hiện các bài tập: Dừng lại ngay khi xuất hiện cơn đau. Sau mỗi bài bạn nên nghỉ từ 1-2 phút trước khi thực hiện bài tập tiếp theo tiếp theo.
Điều trị dùng thuốc
Hiện nay, chưa có thuốc nào có khả năng điều trị thu nhỏ hay làm giảm gai cột sống! Thuốc men sẽ có tác dụng giảm viêm sưng và đặc biệt là giảm đau. Các phương pháp không dùng thuốc tuy có khả năng giảm đau, nhưng cơn đau do dây thần kinh và tuỷ sống thường rất dữ dội. Điều trị thuốc men để giảm đau sẽ giúp bạn ổn định tinh thần và sinh hoạt hằng ngày bình thường trở lại.
Các nhóm thuốc hay sử dụng được phần bậc từ giảm đau bậc 1 (giảm đau nhẹ) đến giảm đau bậc 3 (giảm đau mạnh, nhưng gây nghiện)
- Nhóm giảm đau bậc 1: Paracetamol
- Nhóm giảm đau bậc 2: Paracetamol kết hợp với Tramadol, hoặc Ultracet
- Nhóm giảm đau bậc 3: Opiat và dẫn xuất của Opiat (có thể gây nghiện)
Đối với kháng viêm thì thường thấy các nhóm kháng viêm Nsaids: Indomethacin, Celecoxib, Diclofenac, Meloxicam,…
Trong một số trường hợp khó khăn trong việc giảm đau, người bệnh có thể được tiêm thuốc Corticoid cạnh sống lưng.
Phẫu thuật chữa gai cột sống
Theo Phác đồ điều trị Cơ Xương Khớp của Bộ Y Tế: Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi có các dấu hiệu thần kinh muộn và tiến triển nặng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, mà các biện pháp điều trị khác không kết quả.
Phẫu thuật sẽ nhằm mục đích giảm chèn ép vào thần kinh hoặc tuỷ sống, mài nhẵn lại các phần gai cột sống.
Sau phẫu thuật các gai xương vẫn có thể mọc lại, do vậy bệnh nhân vẫn cần đảm bảo lối sống khoa học, tư thế phù hợp cho từng hoạt động. Tuân thủ điều trị sau phẫu thuật và lịch tái khám nếu có.
Chăm sóc chung cho người bị gai cột sống
Không chỉ người được điều trị có vai trò quan trọng, mà cả người thân chăm sóc cũng đóng một vai trò không nhỏ trong điều trị. Với những nguyên tắc chăm sóc cơ bản, người thân sẽ giúp đỡ rất nhiều cho quá trình điều trị gai cột sống vốn rất dai dẳng.
Các điểm cần chú ý khi chăm sóc cho người bị gai cột sống:
- Cho người bệnh nghỉ ngơi thường xuyên, khi đi đứng, hoạt động nên quan sát và hỗ trợ nếu cần thiết
- Sắp xếp chổ nằm thoải mái, ưu tiên nằm ngửa tư thế thẳng lưng không chêm hay đỡ cao lưng.
- Hướng dẫn người bệnh các luyện tập và sinh hoạt để tránh biến chứng nặng.
- Nếu đã có hiện tượng yếu liệt, các vật dụng cần thiết phải được để ở vị trí thích hợp và tiện sử dụng.
- Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ năng lượng, nhiều vi chất cần thiết như canxi, vitamin D.
- Đảm bảo sức khoẻ tính thần cho người bệnh: An ủi, và khích lệ người bệnh trong suốt quá trình điều trị
- Vệ sinh sạch sẽ: vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ốc. Giữ không khí trong phòng thoáng mát.
- Thuốc đúng giờ và tái khám đúng hẹn.
- Khi tái khám mang tất cả các toa, đơn thuốc đang sử dụng
Phòng và ngăn chặn phát triển bệnh lý gây ra gai cột sống
Để ngăn ngừa sự phát triển của các gai xương cột sống, bạn cần chăm sóc cho cột sống khỏe mạnh, giữ cho cột sống không mất đi đường cong sinh lý bằng các biện pháp sau đây:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ: Bổ sung calcium và vitamin D trong bữa ăn, tránh thức ăn nhanh và thực phẩm đông lạnh, tăng cường ăn rau quả.
- Tránh các tư thế gây tổn thương cột sống: Cúi gập người nâng vật nặng, ngồi học cong lưng, lái xe và làm việc văn phòng không đúng tư thế,…
- Hạn chế các môn thể thao nặng như: cử tạ, thể dục dụng cụ, bóng chuyền,…
- Thực hiện các bài tập vừa phải nhẹ nhàng: Leo cầu thang, đi bộ,…
- Cố gắng giảm cân nặng dư thừa
- Hạn chế làm nặng, quá sức
- Có thể sử dụng các dụng cụ nẹp cổ hoặc nẹp lưng khi vận động để tránh gây thêm tổn tương
Trên đây là tổng quan toàn bộ về căn bệnh gai cột sống. Mong rằng sau bài viết này bạn đọc đã có những cái nhìn ban đầu thật rõ ràng về căn bệnh trên. Hãy cùng đón xem các bài viết chi tiết hơn về căn bệnh này trên tại trang web của Bảo Vệ Xương Khớp!
Nguồn:
Chuyên trang sức khoẻ cột sống- Hoa Kỳ
MSDmanual: Gai cột sống – Bệnh lý chèn ép tuỷ
WebMD:Tổng quan về gai xương trên cơ thể.
Phác đồ điều trị cơ xương khớp – Bộ Y Tế