Đau nhức chân tay là bệnh gì? Cách giảm đau nhức chân tay nhanh chóng

Đôi khi, bạn cảm thấy mình bị đau nhức đồng thời cả tay và chân. Các triệu chứng này có thể xuất phát từ trong khớp hoặc các cấu trúc ngoài khớp. Chúng có thể ảnh hưởng tới tất cả hoặc một phần của chân hay cánh tay. Vậy nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng này và cần làm gì nếu gặp phải?

Tổng quan

Đau nhức chân tay được chia ra làm hai loại là đau nhức thông thường và đau khớp.

Đau nhức tay chân thông thường có thể xảy ra liên tục hoặc không thường xuyên, và hầu hết chúng gây đau chân nhiều hơn là đau tay. Cơn đau có thể ảnh hưởng tới tất cả hoặc chỉ một phần tay chân. Khi cơn đau xuất hiện có thể kèm theo các triệu chứng khác như nóng, đỏ, tê, ngứa ran, bầm tím,… tùy thuộc vào nguyên nhân.

Cơn đau nhức thông thường thường xảy ra do tổn thương mô, tổn thương dây thần kinh hoặc đôi khi có nguồn gốc không rõ ràng.

Đau khớp thường xuất phát từ chính các khớp hoặc đến từ các cấu trúc bên ngoài khớp, như gân, cơ, dây chằng,… Đau khớp thực sự có thể kèm theo hoặc không kèm theo viêm khớp. Ngoài đau, nếu bị viêm các khớp có thể sưng lên, ấm áp khi chạm vào và ít khi da bên dưới bị đỏ. Đau khớp có thể chỉ xảy ra khi cử động khớp hoặc có thể xuất hiện khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng khác, chẳng hạn như phát ban, sốt, đau mắt hoặc lở miệng,… có thể xuất hiện tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau khớp.

Đau khớp thường xảy ra do viêm, thoái hóa, do sự nhầm lẫn của hệ thống miễn dịch,…

Phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu một số nguyên nhân gây đau nhức tay chân hoặc đau khớp tay chân.

Đau nhức chân tay có thể ảnh hưởng tới tất cả hoặc chỉ một phần tay chân. Khi cơn đau xuất hiện có thể kèm theo các triệu chứng khác tùy thuộc vào nguyên nhân (Ảnh minh họa)

Đau nhức chân tay là bệnh gì?

Bệnh thần kinh ngoại biên

Bệnh thần kinh ngoại biên là một bệnh xảy ra do tổn thương các dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống (dây thần kinh ngoại biên). Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến một dây thần kinh (bệnh đơn dây thần kinh), hai hoặc các dây thần kinh ở những khu vực khác nhau (bệnh đa dây thần kinh) hoặc nhiều dây thần kinh của mộ khu vực.

Bệnh gây ra tình trạng yếu, tê và đau ở bàn tay và chân, tuy nhiên nó cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng khác trên cơ thể. Những người bị thần kinh ngoại biên thường mô tả cơn đau là đau rát, đau như đâm hoặc ngứa ran. 

Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa gây ra tình trạng lượng đường trong máu cao. Bình thường, hormone insulin di chuyển đường từ máu vào tế bào để dự trữ hoặc sử dụng làm năng lượng. Nhưng ở bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng hiệu quả insulin.

Có nhiều loại tiểu đường khác nhau, gồm: bệnh tiểu đường loại 1 là một bệnh tự miễn dịch, bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể bạn đề kháng với insulin và đường tích tụ trong máu và bệnh tiểu đường thai kì.

Lượng đường trong máu cao nếu không điều trị có thể gây hại cho thần kinh, mắt, thận và các cơ quan khác. Trong đó, bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường là một tình trạng thường gặp. Nó gây tê, làm bạn không thể cảm nhận được bàn chân của mình khi đi bộ. Đôi lúc nó lại gây ngứa ran, bỏng rát và đau bàn tay, bàn chân của bạn.

Bệnh thần kinh ngoại biên do tiểu đường gây tê, làm bạn không thể cảm nhận được bàn chân của mình khi đi bộ. Đôi lúc nó lại gây ngứa ran, bỏng rát và đau bàn tay, bàn chân (Ảnh minh họa)

Đa xơ cứng 

Đa xơ cứng là một bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công vào lớp vỏ bảo vệ (myelin) bao phủ các sợi thần kinh, gây ra các vấn đề về liên lạc giữa não với phần còn lại của cơ thể. Bệnh đa xơ cứng là một bệnh có khả năng gây tổn thương vĩnh viễn cho não và tủy sống (hệ thần kinh trung ương).

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đa xơ cứng rất khác nhau, phụ thuộc vào số lượng dây thần kinh bị tổn thương. Một số người nặng có thể mất khả năng đi lại hoàn toàn, trong khi có những người lại thuyên giảm trong một thời gian dài mà không có bất kỳ triệu chứng mới nào.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh đa xơ cứng là:

  • Tê hoặc yếu ở một hoặc nhiều chi, thường xảy ra ở một bên cơ thể cùng một lúc. Chẳng hạn: tay phải và chân phải.
  • Cảm giác như điện giật khi cử động cổ, đặc biệt là cúi cổ về phía trước
  • Run, thiếu phối hợp hoặc dáng đi không vững
  • Có các vấn đề về thị lựa: nhìn đôi kéo dài, mờ mắt
  • Nói lắp
  • Mệt mỏi
  • .v.v.
Bệnh đa xơ cứng gây tê hoặc yếu ở một hoặc nhiều chi, thường xảy ra ở một bên cơ thể cùng một lúc. Chẳng hạn: tay phải và chân phải (Ảnh minh họa)

Bệnh Buerger

Căn bệnh này được mô tả lần đầu tiên bởi Buerger vào năm 1908. Đây là một bệnh hiếm gặp của động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Trong bệnh Buerger, còn gọi là bệnh viêm mạch huyết khối tắc nghẽn, các mạch máu của bạn bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do các cục máu đông. Điều này gây ra một số triệu chứng như: đau nhức ở bàn chân và/hoặc bàn tay, đau khi nghỉ ngơi, sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể; loét da và hoại thư ngón tay, ngón chân; gặp hiện tượng Raynaud (các chi xa như ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân bị chuyển sang màu trắng khi tiếp xúc với lạnh),…

Những người được chẩn đoán mắc bệnh Buerger đều hút thuốc lá hoặc sử dụng các dạng thuốc lá khác. Vì thế, bỏ thuốc lá là cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng này. Đối với những người không bỏ thuốc lá, họ có thể phải cắt cụt toàn bộ hoặc một phần chi.

Chấn thương mô mềm

Chấn thương mô mềm là một chấn thương ở các mô và không ảnh hưởng tới xương khớp; nó thường xảy ra do một lực cùn tác động, chẳng hạn: một cú đá, cú ngã hay cú đánh.

Nếu bạn bị lực cùn tác động đồng thời vào cả tay và chân, sau đó bạn có thể bị đau nhức tay chân, bầm tím, sưng tấy.

Đau khớp chân tay là bệnh gì?

Bệnh đau khớp tay chân có thể xảy ra do viêm khớp cấp tính, viêm khớp mãn tính hơạc một số rối loạn bên ngoài khớp.

Viêm khớp cấp tính ảnh hưởng đến nhiều khớp thường do: nhiễm virus, bắt đầu bị rối loạn khớp hoặc vào đợt bùng phát rối loạn khớp mãn tính hiện có (chẳng hạn vào các đợt bùng phát cấp tính của viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp vẩy nến), bệnh gút hoặc viêm khớp do canxi pyrophosphat (trước đây gọi là bệnh giả gút), do thực hiện một số hoạt động lặp đi lặp lại. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân ít phổ biến khác như: bệnh Lyme, bệnh lậu, nhiễm khuẩn liên cầu, viêm khớp phản ứng.

Viêm khớp mãn tính gây đau nhiều khớp thường do: rối loạn viêm (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến hoặc lupus ban đỏ hệ thống), rối loạn không viêm (thoái hóa khớp), viêm khớp vô căn vị thành niên. Một số loại viêm mãn tính ít gặp khác có thể ảnh hưởng đến cột sống và gây đau khớp các chi, ví dụ: bệnh viêm cột sống dính khớp.

Các rối loạn ngoài khớp phổ biến nhất gây đau khớp tay chân là: đau cơ xơ hóa, viêm đa khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch hoặc viêm gân.

Phần dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu một số nguyên nhân thường gặp.

Thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại

Khi bạn thực hiện một số hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần ở tay và chân, chẳng hạn như: chơi cầu lông, quần vợt, chơi golf, xách đồ nặng và đi bộ,… bạn cũng có thể bị đau mỏi tay chân và các khớp. Cơn đau dạng này thường xuất hiện vào cuối ngày.

Thông thường, tình trạng sẽ thuyên giảm sau khi bạn ngừng các hoạt động này và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu bạn bị nặng hơn, nó có thể dẫn tới viêm gân, viêm bao hoạt dịch và làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp.

Khi bạn thực hiện một số hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần ở tay và chân, bạn cũng có thể bị đau mỏi tay chân và các khớp (Ảnh minh họa)

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus lây lớn tới khớp hoặc chất lỏng quanh khớp. Nhiễm trùng khớp thường bắt đầu ở một khu vực khác của cơ thể, sau đó lây lan theo đường máu đến mô khớp. Tuy nhiên, vi khuẩn, virus cũng có thể xâm nhập vào khớp thông qua vết thương hở, phẫu thuật hoặc mũi tiêm.

Viêm khớp nhiễm trùng thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp, nhưng đôi khi nó có thể gây đau ở nhiều khớp. Ví dụ, virus viêm gan có thể lây nhiễm một vài hoặc nhiều khớp cùng một lúc, gây ra tình trạng đau nhức khớp tay chân.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp hay viêm xương khớp là một dạng đau khớp chân tay khác, xảy ra khi các khớp của bạn bị hao mòn. Theo thời gian, lớp sụn đệm khớp của bạn bắt đầu bị mòn dần đi, khiến hai đầu xương cọ xát vào nhau, gây đau đớn. Ngoài ra, hoạt động của xương trên xương khi không có lớp sụn cũng có thể dẫn đến viêm.

Thoái hóa khớp thường xảy ra ở các khớp cánh tay và chân, bao gồm cả ngón tay, cổ tay, đầu gối, mắt cá chân và hông.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh xảy ra do sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch. Khi hệ này khỏe mạnh, nó giúp chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Ở những người bị viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch có sự nhầm lẫn và tấn công vào các tế bào trong niêm mạc khớp, dẫn đến viêm khớp, sưng, cứng và đau.

Đau khớp ở ngón tay, cổ tay và bàn chân là một trong các dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là một bệnh viêm khớp ảnh hưởng tới những người bị vảy nến. Thông thường, người bệnh sẽ mắc vảy nến trước rồi mới khởi phát viêm khớp.

Đau khớp, cứng và sưng ở các ngón tay, ngón chân là những dấu hiệu và triệu chứng chính của bệnh viêm khớp vảy nến. Bệnh có thể ảnh hưởng đến các khớp chỉ một bên hoặc cả hai bên cơ thể và các triệu chứng bệnh thường giống với viêm khớp dạng thấp.

Bệnh viêm khớp vảy nến gây sưng, đau các khớp ngón tay, ngón chân (Ảnh minh họa)

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một loại bệnh lupus phổ biến nhất. Đây là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tán công các mô của chính nó, gây viêm lan rộng và tổn thương mô. Nó có thể ảnh hưởng đến khớp, da, não, phổi, thận và mạch máu.

Đau khớp là triệu chứng thường gặp trong bệnh lupus, đặc biệt là đau ở các khớp nhỏ của các bàn tay và bàn chân. Cơn đau thường di chuyển từ khớp này sang khớp khác.

Bệnh gút

Bệnh gút xảy ra khi các tinh thể urat tích tụ trong khớp của bạn, gây tình trạng viêm và đau dữ dội khi cơn gút tấn công. Các tinh thể urat này hình thành khi cơ thể bạn có nồng độ axit uric trong máu cao.

Bệnh gút có thể gây đau dữ dội và sưng tấy quanh một hoặc nhiều khớp. Bệnh gút thường ảnh hưởng đến khớp ở gốc ngón chân cái. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút luôn xảy ra đột ngột và thường xảy ra vào ban đêm.

Bệnh gút có thể gây đau dữ dội và sưng tấy quanh một hoặc nhiều khớp, chẳng hạn khớp tay chân (Ảnh minh họa)

Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là những túi nhỏ chứa đầy dịch nằm quanh khớp, giúp giảm ma sát giữa các bộ phận chuyển động trong khớp. Khi bao hoạt dịch bị viêm, nó gây sưng, đau ở các vùng xung quanh khớp, đặc biệt là khi chuyển động khớp bị ảnh hưởng.

Bạn có thể bị viêm bao hoạt dịch đồng thời ở cả tay và chân, gây ra tình trạng đau nhức khớp tay chân. Cơn đau do viêm bao hoạt dịch có thể xảy ra đột ngột, kéo dài nhiều ngày hoặc lâu hơn và thường thuyên giảm khi được nghỉ ngơi hoặc điều trị.

Cách giảm đau nhức chân tay nhanh chóng

Để làm giảm đau nhức chân tay nhanh chóng, điều quan trọng là bạn phải xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Với các nguyên nhân do chấn thương mô mềm nhẹ hoặc do các hoạt động lặp đi lặp lại, bạn có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Với các nguyên nhân do bệnh lý, bạn cần đi khám để xác định chính xác bệnh và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Thông thường, các lựa chọn điều trị tại nhà là: nghỉ ngơi, thay đổi cách thực hiện một số hoạt động, chườm nóng hoặc nhiệt, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn.

Các lựa chọn điều trị y tế cho đau nhức chân tay bệnh lý là: thuốc men, tiêm, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt, mát-xa, phẫu thuật.

☛ Tìm hiểu thêm: Các phương pháp chữa đau nhức xương khớp hiệu quả nhất

Tổng kết

Trên đây là một số nguyên nhân thường gặp gây đau nhức chân tay hoặc đau khớp chân tay. Với mỗi nguyên nhân lại có phương pháp điều trị riêng, có như vậy bệnh mới thuyên giảm và người bệnh cảm thấy hết đau. Một số tình trạng bạn có thể tự chăm sóc tại nhà, nhưng cũng có những trường hợp cần phải đi khám để được chẩn đoán cụ thể.

Để được tư vấn thêm về các bệnh lý xương khớp nói chung và tình trạng đau nhức chân tay nói riêng, bạn có thể gọi tới tổng đài miễn cước 1800 1156.

Bài viết liên quan