Bị đau khớp gối phải làm sao? Nên làm và không nên làm gì?

Đau khớp gối là một tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nó có thể là kết quả của chấn thương, như đứt dây chằng hay rách sụn; hoặc là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh xương khớp nguy hiểm nào đó, như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút,… Vậy bị đau khớp gối phải làm sao? Những việc nên và không nên làm khi bị đau khớp gối.

Bị đau khớp gối phải làm sao?

Cần lập tức tới bệnh viện

Hầu hết các triệu chứng đau khớp gối không phải là trường hợp khẩn cấp và cần phải cấp cứu. Tuy nhiên, cũng có những lúc cơn đau xảy ra với những cảnh báo cờ đỏ nghiêm trọng và bạn cần phải được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Dưới đây là những thời điểm cơn đau khớp báo hiệu rằng bạn nên đến phòng cấp cứu:

– Cơn đau cho thấy các triệu chứng của nhiễm trùng. Có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau, trong đó có một tình trạng gọi là viêm khớp nhiễm trùng. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào khớp thông qua dòng máu (có thể là do từ một bộ phận xa khớp của cơ thể hoặc do có vết thương hở gần khớp). Viêm khớp nhiễm trùng là một vấn đề y tế khẩn cấp, nó có thể dẫn đến di chứng vĩnh viễn, rối loạn khớp hay thậm chí là tử vong.

Do đó, bạn cần nhận biết và lập tức tới bệnh viện kịp thời để đảm bảo tiên lượng tốt.

Một số dấu hiệu thường gặp của viêm khớp nhiễm trùng ở đầu gối là:

  • Đau khớp gối nghiêm trọng;
  • Sưng hoặc đỏ khớp, ấm khớp;
  • Không thể cử động chi với khớp bị ảnh hưởng (ví dụ: không thể cử động khớp gối vì khớp gối bị nhiễm trùng)
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi và suy nhược toàn thân
Nếu cơn đau cho thấy các triệu chứng của nhiễm trùng, bạn cần lập tức tới bệnh viện (Ảnh minh họa)
 

– Bị bong gân kèm theo nhiều triệu chứng bất thường. Bong gân là một chấn thương thường gặp, xảy ra khi dây chằng hoặc gân của bạn bị kéo căng/rách. Bong gân có thể là kết quả của ngã, vặn người hay do va đập. Tình trạng này hiếm khi là một nguyên nhân cần cấp cứu, nhưng trong vài trường hợp, bong gân cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có các triệu chứng sau:

  • Các vệt đỏ hoặc vết đỏ lan ra do chấn thương
  • Không có khả năng dồn trọng lượng lên chân bị thương
  • Không thể sử dụng khớp bị thương
  • Khớp có cảm giác tê hoặc không ổn định, lỏng lẻo

Bạn cũng nên cấp cứu nếu bạn đã phẫu thuật tại vị trí bong gân trong quá khứ và tình trạng bong gân có vẻ nghiêm trọng.

– Có dấu hiệu sốt thấp khớp. Sốt thấp khớp là một loại bệnh viêm khớp khác, nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường ảnh hưởng nhất là trẻ em từ 5 đến 15 tuổi.

Những người bị sốt thấp khớp thường phát bệnh sau khi bị nhiễm trùng do liên cầu khuẩn, chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc sốt ban đỏ.

Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo bệnh sốt thấp khớp mà bạn nên lưu ý ở con mình:

  • Sốt
  • Đau ngực
  • Đau các khớp, thường gặp nhất ở đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay và cổ tay
  • Mệt mỏi
  • Phát ban phẳng hoặc hơi nổi lên
  • Có các cử động giật, không kiểm soát được ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân
  • Cảm giác tim đập nhanh, đánh trống ngực.
  • Khó thở
  • Múa giật (Sydenham chorea), thường ở tay, chân và mặt
  • Hành vi bất thường bộc phát, chẳng hạn như khóc hoặc cười không thích hợp, thường kèm theo múa giật.

– Bị chấn thương nghiêm trọng. Các môn thể thao có tác đông mạnh như chạy, bóng rổ, bóng đá, khúc côn cầu, đạp xe và các môn khác, có thể làm tăng nguy cơ đau và chấn thương đầu gối. Chấn thương đầu gối cũng có thể xảy ra sau va chạm giao thông, ngã,…

Nếu chấn thương nhẹ, bạn có thể chỉ cầm chăm sóc và nghỉ ngơi tại nhà, nhưng có những chấn thương nghiêm trọng, bạn cần lập tức cấp cứu.

Dưới đây là một số dấu hiệu chấn thương nghiêm trọng:

  • Nghe thấy âm thanh ở khớp khi xảy ra chấn thương, như tiếng bật, tách, khục,…
  • Đầu gối bị biến dạng
  • Bầm tím, sưng
  • Ấn nhẹ quanh đầu gối chấn thương cảm thấy khó chịu
  • Đau khớp gối dữ dội
  • Khó khăn khi di chuyển đầu gối, không thể đặt trọng lượng lên đầu gối
Nếu có những chấn thương nghiêm trọng, bạn cần lập tức cấp cứu (Ảnh minh họa)

Tự khắc phục tại nhà

Bạn có thể khắc phục tình trạng đau khớp gối tại nhà nếu:

  • Cơn đau ở mức độ nhẹ;
  • Có các đợt bùng phát bệnh nhẹ (bạn đã đi khám và có chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ bác sĩ);
  • Xảy ra sau chấn thương nhẹ.

Những việc NÊN LÀM để giảm đau khớp gối:

– Nghỉ ngơi và hoạt động hợp lý. Nếu bạn đang trong đợt bùng phát hoặc vừa mới bị chấn thương, bạn nên tạm dừng các hoạt động của đầu gối và nghỉ ngơi để giúp vết thương có thời gian lành lại và ngăn ngừa tổn thương thêm. Sau khi nghỉ ngơi 1-2 ngày, bạn nên bắt đầu vận động trở lại để tránh tình trạng co cứng khớp gối, ngăn ngừa cơn đau trở nên nặng hơn.

– Chườm nhiệt nóng hoặc lạnh. Đây đều là các phương pháp giúp giảm đau khớp gối hiệu quả.

  • Chườm nóng giúp giảm co thắt cơ, giảm đau mãn tính.
  • Chườm lạnh giúp giảm đau cấp sau chấn thương, chống xuất huyết, phù nề, giảm viêm, giảm co cứng cơ.

– Kê cao chân. Để giảm sưng khớp, bạn có thể ngồi hoặc nằm gác phần khớp gối bị tổn thương lên cao hơn vị trí của tim.

Kê cao chân và chườm nhiệt giúp giảm đau khớp gối (Ảnh minh họa)

– Xoa bóp. Xoa bóp có tác dụng giảm đau do các bệnh lý xương khớp khá hiệu quả. Bạn có thể tiến hành tự xoa bóp hoặc nhờ người thân. Dưới đây là một số động tác tự xoa bóp do Hiệp hội Trị liệu Xoa bóp Hoa Kỳ (AMTA) hướng dẫn:

Chuẩn bị: Động tác này được thực hiện ở tư thế ngồi, đầu gối hướng về phía trước, hai bàn chân song song đặt trên sàn.

Lưu ý: Chỉ thực hiện khi tình trạng sưng nề ổn định.

Thực hiện động tác:

  • Nắm nhẹ hai bàn tay thành nắm đấm, dùng cả hai tay vỗ vào đùi trên, dưới và giữa 10 lần. Lặp lại ba lần.
  • Đặt gót bàn trên lên trên đùi rồi lướt đến phía đầu gối, thả lỏng. Lặp lại 5 lần. Làm tương tự cho mặt ngoài và trong của đùi.
  • Nhấn 4 ngón tay vào mô đầu gối và di chuyển lên xuống 5 lần. Thực hiện xung quanh đầu gối.
  • Đặt lòng bàn tay lên trên đùi, lướt xuống đùi, qua đầu gối, ngược lên đùi ngoài.

Lưu ý: Xoa bóp cơ đùi cũng sẽ tác động có lợi lên khớp đầu gối.

Xoa bóp giúp giảm đau khớp gối (Ảnh minh họa)

– Phòng tránh ngã. Khi đầu gối bị đau hoặc không ổn định, nó có thể khiến bạn dễ bị ngã và làm tình trạng tổn thương trở nên tồi tệ hơn gấp nhiều lần. Vì thế, hãy hạn chế nguy cơ té ngã bằng cách đảm bảo nhà của bạn đủ ánh sáng, sử dụng tay vịn, gậy hỗ trợ đi bộ, ghế đẩu để chân,…

– Tập thể dục. Để tăng cường tính linh hoạt và sức mạnh cho đầu gối, bạn có thể tiến hành tập các bài tập cardio như: đi bộ, bơi lội, tập thể dục nhịp điệu dưới nước, đạp xe tại chỗ, thái cực quyền,…

– Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân sẽ làm tăng áp lực lên đầu gối và đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp gối. Vì thế, bạn nên duy trì một cân nặng hợp lý và nên giảm cân nếu bị béo phì.

– Ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn uống không giúp điều trị bệnh nhưng nó giúp bạn có một sức khỏe tổng thể tốt để đối phó với bệnh tật, nó cũng giúp bạn giảm cân để có được cân nặng hợp lý. Hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau củ, các món ăn tốt cho xương khớp.

– Chú ý tới giày dép. Những đôi giày chật hay giày có lớp lót đệm không phù hợp có thể làm tăng áp lực lên đầu gối của bạn. Vì thế hãy lựa chọn những đôi giày, dép có size vừa với chân của bạn với lớp lót êm, thoải mái.

Hãy lựa chọn giày dép phù hợp để giảm áp lực lên đầu gối và chân (Ảnh minh họa)

Những việc KHÔNG NÊN làm để giảm đau khớp gối:

  • Đắp lá hoặc chữa mẹo (chấn thương nhẹ, bong gân có thể tự khỏi sau 2-4 tuần, việc thực hiện các phương pháp trên sẽ giúp bình phục nhanh hơn. Chưa có bằng chứng khoa học xác đáng nào khẳng định rằng đắp lá sẽ giúp dây chằng liền nhanh hơn).
  • Đắp lá náng nóng cũng tương tự như phương pháp chườm ấm, có thể dùng để thay thế chườm ấm nhưng lưu ý chỉ đắp khi đầu gối đã bớt sưng nề và ổn định.
  • Xoa bóp các loại dầu cao, mật gấu (chưa có nghiên cứu nào khẳng định tác dụng của các phương pháp này, trái lại việc xoa bóp trong những ngày đầu có thể làm tăng tình trạng sưng nề và đau cho người bệnh).

Nếu được chăm sóc đúng cách, các cơn đau khớp gối có thể hết sau khoảng 2-3 tuần và phục hồi hoàn toàn trong 6 tuần. Nếu cơn đau của bạn vẫn tiếp diễn sau khoảng thời gian này, bạn nên lên lịch đi khám.

Đi khám bác sĩ

Trong nhiều trường hợp, cơn đau khớp gối có thể kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần hay thậm chí là nhiều tháng. Lúc này bạn không cần tới phòng cấp cứu nhưng bạn nên sắp xếp để đi khám bác sĩ. Bởi, rất có thể những cơn đau này là dấu hiệu của một bệnh lý xương khớp tiềm ẩn nào đó.

Để giúp cho việc chẩn đoán được chính xác hơn, bạn nên chuẩn bị trước khi đi khám.

– Trước khi đi khám: Bạn có thể chuẩn bị trước câu trả lời cho một số câu hỏi như:

  • Bạn bắt đầu gặp các triệu chứng khi nào?
  • Bạn có gặp chấn thương nào không?
  • Các triệu chứng của bạn liên tục hay không?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng như thế nào?
  • Hành động nào có thể cải thiện các triệu chứng của bạn?
  • Hành động nào làm trầm trọng các triệu chứng của bạn?
  • Bạn đang dùng các loại thuốc và thực phẩm chức năng nào?
  • Bạn có gặp triệu chứng ở nơi nào khác trên cơ thể không?
  • .v.v.

– Khi đi khám:

  • Mang theo đầy đủ: Chứng minh thư, thẻ bảo hiểm (nếu có), bản sao của tất cả hồ sơ y tế, bản sao báo cáo phẫu thuật (nếu bạn đã từng phẫu thuật khớp gối ở nơi khác)
  • Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, có thể mặc quần ngắn để việc khám đầu gối dễ dàng hơn.

Sau khi tiến hành kiểm tra, bác sĩ sẽ kết luận nguyên nhân đau khớp gối của bạn và đưa ra lời khuyên về việc điều trị. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi cũng như tình trạng bệnh của bạn,…

Kết luận

Đau khớp đầu gối là một tình trạng thường gặp và có thể điều trị được, tùy thuộc vào nguyên nhân. Điều quan trọng là bạn cần có những hành động đúng khi gặp hiện tượng này. Những hành động chính xác sẽ giúp việc điều trị và phục hồi diễn ra nhanh chóng, suôn sẻ hơn.

Để được tư vấn về các bệnh lý xương khớp, bạn có thể gọi tới tổng đài miễn cước 1800.1156.

Bài viết liên quan