Đau nhức xương khớp ở người trẻ có nguy hiểm không?

Bạn luôn nghĩ rằng đau xương khớp là bệnh của người già. Nhưng thực tế không phải như vậy, căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Và đau nhức xương khớp ở người trẻ là tình trạng rất phổ biến.

Đau nhức xương khớp ở người trẻ có đáng lo ngại?

Đau khớp, đau xương đúng là căn bệnh rất phổ biến ở người già trên 50, 60 tuổi. Nhưng theo thống kê, cứ 100.000 người trẻ trong độ tuổi 18 đến 34, lại có 8 người bị bệnh xương khớp. Nguyên nhân của hiện tượng này thường là do di truyền, béo phì, bị chấn thương hoặc do sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch,… (chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn ở phần sau).

Nếu mắc các vấn đề xương khớp khi còn trẻ, về già bạn có nguy cơ bị xói mòn xương và viêm các khớp cao hơn những người khởi phát muộn. Bạn cũng có khả năng cao xuất hiện các nốt thấp khớp, là những cục nhỏ, cứng nằm dưới da quanh khớp.

Vì thế, nếu gặp các triệu chứng của bệnh xương khớp khi còn trẻ, bạn nên sớm đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng và tránh các khuyết tật. Hơn thế nữa, những người trẻ bị bệnh khớp, nếu điều trị kịp thời sẽ có khả năng kiểm soát bệnh tốt hơn người già.

Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp ở người trẻ

Thừa cân, béo phì

Người ta đã chứng minh được rằng, béo phì và các bệnh về xương khớp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trọng lượng cơ thể càng lớn, áp lực lên hệ thống cơ xương khớp càng nhiều. Nghiên cứu cho thấy, nếu bạn tăng mỗi 0,45 kg, khi bạn đi lại, khớp gối sẽ phải chịu áp lực tương đương với 1,5 kg và khi bạn chạy là 4,5 kg.

Tại Việt Nam, tỉ lệ thừa cân, béo phì đang tăng lên nhanh chóng (đứng đầu các nước Đông Nam Á về tăng tỉ lệ người mắc béo phì). Điều này gây ra những rủi ro về sức khỏe của họ và làm tăng chi phí chăm sóc y tế đối với các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, xương khớp,…

Trọng lượng cơ thể càng lớn, áp lực lên hệ thống cơ xương khớp càng nhiều (Ảnh minh họa)

Di truyền

Đau xương khớp là bệnh có thể di truyền trong nhiều thế hệ. Vì thế, nếu gia đình bạn có người thân ruột thịt mắc các bệnh về xương khớp, bạn sẽ có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn những người khác.

Ngoài ra, nếu bạn bị bệnh khớp do di truyền, tình trạng lão hóa sụn và suy thoái sụn khớp của bạn cũng sẽ nhanh hơn mức bình thường. Điều này lý giải bệnh lại khởi phát khi bạn còn rất trẻ.

Chấn thương

Đau nhức xương khớp là hậu quả của các chấn thương thể thao, giải trí, tai nạn, chấn thương quân sự,… là rất phổ biến ở những người trẻ tuổi.

Khi bạn bị chấn thương, lực tác động có thể làm gãy xương, phá hủy cấu trúc xương và làm ảnh hưởng tới các cơ quan quanh khớp. Tất cả những điều này gây ra hiện tượng đau cấp tính ở khớp sau chấn thương, bao gồm các triệu chứng như: sưng, tràn dịch khớp, đau dữ dội và đôi khi chảy máu trong,…

Ngoài ra, sau chấn thương bạn cũng có thể khởi phát một loại viêm khớp, gọi là viêm khớp sau chấn thương cấp tính. Loại viêm khớp này có thể gây ra tình trạng thoái hóa khớp và viêm khớp mãn tính sau này.

Chấn thương gây ra hiện tượng đau xương khớp cấp tính (Ảnh minh họa)

Nghề nghiệp

Ở người trẻ tuổi, nghề nghiệp cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới đau cơ xương khớp. Các khớp thường bị đau do liên quan đến nghề nghiệp bao gồm: tay, đầu gối, hông.

Nếu hằng ngày bạn phải mang vác nặng, quỳ gối, ngồi xổm trong thời gian dài, leo cầu thang nhiều lần,… thì theo thời gian, khớp của bạn có thể bị cứng và đau. Về già, bạn có khả năng cao mắc các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp mãn tính.

Với nhân viên văn phòng, nếu bạn ngồi liên tục trong một thời gian dài không nghỉ ngơi hoặc ngồi sai tư thế, về lâu dài bạn cũng có thể bị căng cơ, đau xương khớp hay thậm chí là biến dạng cong vẹo cột sống, thoái hóa đốt sống cổ,…

Vận động viên thể thao chuyên nghiệp cũng là một trong những đối tượng có khả năng bị đau nhức xương khớp do nghề nghiệp. Bởi đây là những người phải thường xuyên tập luyện với cường độ cao, tiềm ẩn những nguy cơ chấn thương cao hơn so với người bình thường.

Vận động viên thể thao chuyên nghiệp cũng là một trong những đối tượng có khả năng bị đau nhức xương khớp do nghề nghiệp (Ảnh minh họa)

Nhiễm khuẩn

Đây cũng là nguyên nhân thường gặp gây đau nhức xương khớp ở người trẻ. Có nhiều loại khuẩn khác nhau gây đau nhức xương khớp, như:

  • Tụ cầu khuẩn gây viêm khớp nhiễm khuẩn.
  • Liên cầu khuẩn nhóm A gây ra bệnh sốt thấp khớp
  • Viêm khớp phản ứng khởi phát do nhiễm trùng ở hệ tiết niệu – sinh dục, hệ tiêu hóa, ruột, bộ phận sinh dục,… Có vô số vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng ở các bộ phận này, như: Chlamydia, Salmonella, Yersinia, Clostridium difficile,…

Viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên

Viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên là căn bệnh phổ biến ở trẻ từ 6 tháng tuổi tới dưới 17 tuổi. Bệnh có thể kéo dài trong vài tháng tới vài năm, sau đó sẽ khỏi. Nhưng trong một số ít trường hợp, bệnh có thể kéo dài suốt đời.

Khi bị viêm khớp tự phát, trẻ sẽ cảm thấy cứng khớp vào buổi sáng, các khớp đau và sưng, đi khập khiễng, sốt, phát ban, mệt mỏi, khó chịu,…

Viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên là căn bệnh phổ biến ở trẻ từ 6 tháng tuổi tới dưới 17 tuổi (Ảnh minh họa)

Sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch

Có nhiều bệnh đau xương khớp xảy ra là do sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn này cho đến nay vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng, không biết vì lý do nào đó, hệ miễn dịch lại tấn công và tiêu diệt chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, gây ra tình trạng đau, sưng, cứng khớp.

Do bệnh lý

Có hàng trăm bệnh lý xương khớp khác nhau có thể gây ra tình trạng đau nhức xương khớp, cứng khớp, biến dạng khớp. Trong đó, một số bệnh lý có thể gặp ở người trẻ là:

  • Bệnh Lyme
  • Bệnh bạch cầu
  • Hội chứng đau xương bánh chè
  • .v.v.

☛ Tìm hiểu: 20 nguyên nhân gây đau nhức xương khớp thường gặp

Triệu chứng đau xương khớp ở người trẻ

Lưu ý.

Bệnh đau nhức xương khớp ảnh hưởng rất khác nhau ở mỗi người. Vì thế, dưới đây không phải là một danh sách đầy đủ các triệu chứng. Tùy thuộc vào mức độ bệnh và loại bệnh mà sẽ có các biểu hiện khác nhau.

Vì trẻ em và những người trẻ tuổi có ngưỡng chịu đau cao hơn và họ thường ít để ý hoặc không hiểu các triệu chứng, vì thế nhiều khi việc chẩn đoán trở nên khó khăn hoặc chậm trễ. Vậy nên cha mẹ phải theo dõi chặt chẽ về những vấn đề mà con cái họ đang cảm thấy và người trẻ nên chủ động hơn trong việc chú ý tới sức khỏe bản thân.

Bệnh đau nhức xương khớp ảnh hưởng rất khác nhau ở mỗi người (Ảnh minh họa)

Triệu chứng đau nhức xương thường gặp

Giai đoạn sớm.

  • Cảm giác nóng, ấm ở một hoặc nhiều khớp;
  • Đau sâu hoặc đau nghiến ở sâu trong khớp;
  • Bị cứng khớp vào buổi sáng (đặc biệt là khớp gối);
  • Bị sưng khớp nhiều lần mà không rõ nguyên nhân;
  • Có các vết phát ban không đồng đều trên da;
  • Đau dai dẳng ở tứ chi mà không cải thiện sau khi nghỉ ngơi;
  • Kiệt sức, mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.

Giai đoạn muộn. Các cơn đau ngày càng gia tăng với các đặc điểm sau:

  • Xảy ra và ban đêm và đỡ và buổi sáng;
  • Tỉnh giấc giữa đêm vì các cơn đau nhức ở khớp;
  • Các cơn đau nhức diễn ra trong nhiều đêm liên tiếp;
  • Xuất hiện đau đầu hoặc đau bụng;
  • Mệt mỏi, ăn ngủ kém;
  • Sút cân;
  • Tâm trạng xuống dốc;
  • Ngại vận động, di chuyển

Triệu chứng đau nhức xương khớp ít gặp

Một triệu chứng ít gặp ở người trẻ tuổi là dị tật khớp. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể xảy ra khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng. Một số người thậm chí còn bị biến dạng chân cung khi tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Điều trị đau nhức xương khớp ở người trẻ như thế nào?

Đau nhức xương khớp ở người trẻ là bệnh có thể điều trị được (Ảnh minh họa)

Có nhiều phương pháp điều trị đau nhức xương khớp ở người trẻ, tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.

Các phương pháp thường áp dụng là:

  • Điều trị tại nhà
  • Vật lý trị liệu
  • Sử dụng thuốc
  • Phẫu thuật

Điều trị tại nhà

Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh đau nhức xương khớp cùng nhiều căn bệnh khác.

Không hút thuốc. Vì thuốc lá có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau nhức.

Ăn uống lành mạnh. Cơ thể bạn cần năng lượng và chất dinh dưỡng từ thực phẩm để giúp bạn hoạt động cả ngày dài, cũng như giúp xương và cơ bắp của bạn phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, trong quá trình điều trị bệnh, một số loại thuốc có thể khiến bạn tăng cân hoặc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, tuần hoàn máu. Việc ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn hạn chế những rủi ro này.

Một số gợi ý cho chế độ ăn của bạn:

  • Ăn uống cân bằng và đa dạng để bổ sung đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng cần thiết khác;
  • Hướng tới nhiều rau xanh, trái cây, ít chất béo bão hòa, đường và muối;
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa axit béo tốt omega-3.

☛ Tìm hiểu: Ăn gì và kiêng gì khi bị đau nhức xương khớp?

Cơ thể bạn cần năng lượng và chất dinh dưỡng từ thực phẩm để giúp xương và cơ bắp của bạn phát triển khỏe mạnh (Ảnh minh họa)

Tập thể dục hợp lý. Không có bằng chứng nào cho thấy tập thể dục làm cho tình trạng đau xương khớp của bạn trở nên tồi tệ hơn. Trên thực tế, tập thể dục nhẹ nhàng còn có thể giúp giảm viêm, tăng tính linh hoạt, tăng sức mạnh cho khớp.

Có nhiều bài tập tốt cho bệnh nhân xương khớp, như đi bộ, bơi lội, yoga, pilates,… Bạn có thể kết hợp một vài loại bài tập khác nhau. Điều này sẽ giữ cho việc tập thể dục thú vị và bạn có thể tập luyện toàn bộ cơ thể.

Tuy nhiên, bạn nên tránh các bài tập tác động cao trong khi khớp bị sưng hoặc trong thời gian bệnh đang bùng phát.

Xây dựng giấc ngủ chất lượng. Giấc ngủ ngon rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo thống kê, 50 đến 90% những người bị đau khớp mãn tính không ngủ ngon. Giấc ngủ kém hoặc bị xáo trộn từ đêm này qua đêm khác có thể khiến bạn cảm thấy đau nhức nhiều hơn, mệt mỏi và suy giảm tâm trạng,..

Vì thế, hãy tìm cách xây dựng cho mình một mô hình giấc ngủ chất lượng. Nếu nó không cải thiện, bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ.

Giữ sức khỏe tinh thần. Các cơn đau nhức có thể khiến bạn trở nên lo lắng, mệt mỏi, sợ hãi. Tuy nhiên đừng nản lòng, đây đều là những cảm giác rất tự nhiên. Điều quan trọng là bạn hãy chia sẻ những điều mà mình cảm thấy với người thân trong gia đình. Hãy cởi mở để nói về tình trạng bệnh của mình và cố gắng giữ tinh thần tốt nhất có thể! Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia một số câu lạc bộ, hội nhóm về bệnh xương khớp, điều này giúp bạn cảm thấy không cô đơn và được chia sẻ nhiều hơn.

Để giải tỏa căng thẳng, nâng cao tinh thần, bạn có thể thử một số kỹ thuật thư giãn như: yoga, thiền định, kiểm soát hơi thở, nghe các bài nhạc yêu thích,…

Hãy cởi mở để nói về tình trạng bệnh của mình và cố gắng giữ tinh thần tốt nhất có thể! (Ảnh minh họa)

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp hiệu quả để giảm đau, sưng và cứng khớp. Để thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, bạn cần thực hành với một bác sĩ chuyên khoa. Tại đây, bác sĩ sẽ giúp bạn:

  • Dạy cho bạn tư thế thích hợp cho các hoạt động hàng ngày để giảm đau và cải thiện chức năng;
  • Chỉ cho bạn cách sử dụng đúng các thiết bị hỗ trợ như xe tập đi và gậy;
  • Hướng dẫn bạn các phương pháp giảm đau như: chèn giày, nẹp hỗ trợ, liệu pháp nóng – lạnh,…
  • Sửa đổi một số thói quen của bạn để giảm đau và cải thiện chức năng;
  • .v.v.

Điều trị dùng thuốc

  • Thuốc không kê đơn. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn, như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen natri có thể giúp giảm đau nhức xương khớp do hoạt động của cơ và khớp, các cơn đau thỉnh thoảng xảy ra do hoạt động, chẳng hạn như làm vườn sau một mùa đông ở trong nhà.
  • Thuốc kê đơn. Như NSAID theo toa, thuốc chống thấp khớp DMARD, thuốc opioids, tiêm steroid,… cần có sự chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý. Các loại thuốc trên đều gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là các loại thuốc kê đơn. Vì thế, cần hết sức thận trọng khi sử dụng.

☛ Tìm hiểu: Những điều cần biết về thuốc giảm đau xương khớp

Phẫu thuật

Với tình trạng đau nhức xương khớp rất nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được khuyến nghị trẻ em và thanh thiếu niên. Các loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị bệnh khớp thường là:

  • Thay khớp
  • Tái cấu trúc xương
  • Hợp nhất xương
  • Phẫu thuật nội soi

Người trẻ sống chung với bệnh xương khớp

Việc làm, học tập

Nhiều người trẻ bị bệnh xương khớp lo lắng rằng bệnh tình có thể làm ảnh hưởng tới công việc và học tập của họ. Tuy nhiên đừng quá lo lắng, các phương pháp điều trị hiện nay đều mang lại hiệu quả đáng kể và bệnh nhân bị bệnh xương khớp vẫn có thể làm việc và học tập bình thường.

Nếu bệnh tình ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hằng ngày của bạn, bạn nên suy nghĩ đến một số thay đổi như: xem xét làm việc tại nhà; học trực tuyến; dọn tới gần trường học, chỗ làm để tránh phải đi một quãng đường dài; trao đổi với cấp trên để có giờ làm việc linh hoạt hơn,…

Các phương pháp điều trị hiện nay đều mang lại hiệu quả đáng kể và bệnh nhân bị bệnh xương khớp vẫn có thể làm việc và học tập bình thường (Ảnh minh họa)

Đi du lịch

Bệnh tình sẽ không làm cản trở các chuyến du lịch của bạn nếu bạn lên kế hoạch cẩn thận cho chuyến đi. Bạn sẽ cần chuẩn bị đầy đủ những thứ như thuốc men, bảo hiểm du lịch, lên kế hoạch trước để có thể quản lý việc đi lại, chăm sóc bản thân,…

Lập gia đình và có con

Những người trẻ tuổi bị bệnh khớp vẫn có thể hẹn hò và kết hôn giống những người bình thường khác. Quan trọng là cả bạn và đối tác đều phải nhận thức được về bệnh tình và trang bị cho mình những kiến thức đúng đắn.

Những người trẻ tuổi bị bệnh khớp vẫn có thể hẹn hò và kết hôn giống những người bình thường khác (Ảnh minh họa)

Khi thân mật, để hạn chế các cơn đau, bạn có thể lên kế hoạch với đối tác để có những khoảnh khắc hoàn hảo. Chẳng hạn như:

  • Tắm nước ấm trước khi quan hệ để giảm cứng khớp;
  • Uống thuốc giảm đau trước khi quan hệ;
  • Lên kế hoạch thân mật vào buổi tối nếu bạn thường bị đau khớp vào buổi sáng;
  • Tập trung vào những gì làm bạn cảm thấy thoải mái, không phải những gì bạn không thích về cơ thể mình.

Về việc mang thai, bệnh nhân xương khớp vẫn có thể mang thai bình thường. Nhưng bạn cần phải lên kế hoạch trước cho thai kì, thậm chí là trước vài năm. Bởi một số loại thuốc điều trị bệnh khớp có thể gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi hoặc làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới. Vì thế, nếu có kế hoạch mang thai và sinh con, bạn cần nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn thụ thai và mang thai an toàn, khỏe mạnh.

Nếu chưa có kế hoạch mang thai, bạn cần sử dụng đầy đủ các biện pháp tránh thai mỗi khi quan hệ tình dục

Kết luận

Bệnh về xương khớp là bệnh phổ biến và dường như không bỏ qua bất kì ai ở bất kì độ tuổi nào. Nếu bạn bị đau nhức xương khớp khi còn trẻ, đừng lo lắng và tuyệt vọng, đây là căn bệnh có thể điều trị được. Điều quan trọng là bạn nên chủ động tìm hiểu và chú ý hơn đến sức khỏe bản thân, nếu thấy có dấu hiệu đau khớp, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

☛ Có thể bạn quan tâm:  Đau nhức xương khớp sau sinh có nguy hiểm không?

Bài viết liên quan