Đau nhức xương khớp sau sinh có nguy hiểm không?

Đau nhức xương khớp sau sinh có phải là hiện tượng nguy hiểm? Có phương pháp an toàn nào để khắc phục vấn đề này không? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Đau nhức xương khớp sau sinh – Một hiện tượng phổ biến

Có tới 50% các bà mẹ bị đau nhức xương khớp sau sinh (Ảnh minh họa)

Sau sinh, phụ nữ trải qua rất nhiều các cơn đau nhức khác nhau. Họ có thể bị đau đầu, đau cứng ở lưng, đau nhói hông, đôi khi lại ngứa ran ở cổ tay và bàn tay,.v.v. Các triệu chứng đau nhức này phổ biến đến nỗi nó còn được đặt tên là Hội chứng đau sau sinh (Postpartum Pain Syndrome).

Trong hội chứng đau sau sinh này, có tới 50% các bà mẹ bị đau nhức xương khớp. Các cơn đau xương khớp này có thể diễn ra dai dẳng hoặc cấp tính, mức độ từ nhẹ đến nặng. Nhiều bà mẹ phải trải qua các cơn đau cực kì nghiêm trọng, khiến họ cảm thấy lo lắng và kiệt sức.

Và như các hiện tượng đau nhức xương khớp khác, các bà mẹ có thể đau bất cứ khớp nào sau sinh, như: khớp cổ tay, bàn tay, mắt cá chân, bàn chân, đau dây chằng, sụn,… Nhưng, một số khớp thường bị nhất là: khớp hông, khớp tay, lưng trên, lưng dưới, vai và cổ.

Đau nhức xương khớp sau sinh có nguy hiểm không?

Đau nhức xương khớp sau sinh không phải là hiện tượng có mức độ nguy hiểm cao. Bởi đây là trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể, đau nhức nhẹ là rất bình thường ở phụ nữ sau sinh và thường không gây lo ngại nghiêm trọng. Trong 6 đến 8 tuần đầu tiên, mẹ có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi vì phải đối mặt với các cơn đau nhức, đồng thời cũng phải làm quen với cả việc chăm sóc em bé. Nhưng đừng lo lắng, mẹ sẽ cảm thấy tốt dần lên sau những tuần làm quen này. Hơn nữa, nếu mẹ có một thai kỳ tốt cùng với việc sinh nở khỏe mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và có chế độ ăn uống tốt sau sinh, thời gian phục hồi có thể sẽ nhanh hơn.

Tuy nhiên mẹ cũng tuyệt đối không được chủ quan với hiện tượng này.

Bởi nhiều trường hợp, các cơn đau nhức có thể kéo dài tới tận 4 đến 6 tháng hoặc lâu hơn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thể chất và tinh thần của cả mẹ và bé. Hơn nữa, nếu mẹ áp dụng các phương pháp điều trị không đúng, rất có thể sẽ để lại những hậu quả nặng nề lên hệ thống xương khớp, làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, gây nhiều khó khăn trong việc chăm sóc em bé, hay thậm chí là ảnh hưởng tới cả những lần mang thai sau. Đặc biệt, nếu gặp các cơn đau nhức nghiêm trọng, đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng y tế khẩn cấp mà mẹ cần lập tức tới gặp bác sĩ.

Triệu chứng

Đau nhức xương khớp sau sinh cũng có các triệu chứng tương tự với đau nhức xương khớp khác. Bao gồm:

  • Đau nhức ở khớp hoặc các vùng xung quanh khớp (dây chằng, sụn, mô). Đặc biệt, khi di chuyển hoặc thực hiện các động tác liên quan đến khớp đó, cơn đau có thể sẽ tăng lên. Cơn đau có thể khởi phát đột ngột rồi biến mất, hoặc đau nhẹ nhưng dai dẳng, âm ỉ, khó chịu.
  • Cứng khớp, khóa khớp. Là hiện tượng khớp bị hạn chế chuyển động, khiến việc di chuyển khớp trở nên khó khăn. Thường xảy ra khi mẹ nghỉ ngơi hoặc không hoạt động trong một khoảng thời gian dài. Mẹ phải mất thời gian xoa bóp, làm nóng thì khớp mới linh hoạt trở lại. Triệu chứng cứng khớp thường là biểu hiện của các bệnh lý viêm xương khớp.
  • Mệt mỏi. Mệt mỏi trong bệnh lý xương khớp là chỉ cảm giác nặng nề, miễn cưỡng khi phải di chuyển khớp để thực hiện các động tác. Triệu chứng này làm mẹ ngại đi lại, hoạt động, ảnh hưởng tới việc chăm sóc bản thân và em bé. Mệt mỏi này không hề giống với mệt mỏi khi buồn ngủ.
  • Khu vực xung quanh khớp bị sưng, đỏ hoặc ấm khi chạm vào;
  • Đau cơ, đặc biệt là cơ sàn chậu;
  • Đau và căng trên vai, gần đường dây áo ngực hoặc giữa hai xương bả vai;
  • Bị sốt nhưng không có dấu hiệu của bệnh cúm;
  • .v.v.
Một số khớp thường bị đau sau khi sinh là khớp hông, khớp tay, lưng trên, lưng dưới, vai và cổ (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân

Thay đổi hormone trong thai kì

Khi bạn mang thai, hệ thống nội tiết có rất nhiều thay đổi, nhiều hormone mới được tiết ra để giúp mẹ có một thai kì khỏe mạnh.Trong đó, hormone relaxin có nhiệm vụ giúp cơ và dây chằng được thư giãn, cho phép mẹ có thể tải được cân nặng của em bé và thực hiện sinh nở dễ dàng. Sau khi sinh con, hormone này giảm dần đi, cơ và dây chằng co về lại như ban đầu, sự co rút này có thể dẫn đến tình trạng đau khớp sau sinh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, sự thay đổi nhanh chóng của tất cả các hormone sau khi phụ nữ sinh con làm họ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn.

Thay đổi cân nặng khi mang thai

Kể từ lúc mang thai cho đến lúc sinh nở, người phụ nữ có thể tăng từ 10 tới 20 kg. Việc tăng trọng lượng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy gây một áp lực lớn lên hệ thống xương khớp – cơ – dây chằng, khiến nó phải tăng tải trọng chịu đựng. Hậu quả là các cơn đau nhức xảy ra và có thể kéo dài tới cả sau khi sinh.

Tăng trọng lượng khi mang thai gây một áp lực lớn lến hệ thống xương khớp – cơ – dây chằng (Ảnh minh họa)

Sự phát triển của thai nhi

Theo thời gian, thai nhi trong bụng mẹ sẽ lớn dần lên. Khi thai nhi phát triển, sẽ chèn ép vào cột sống cũng như gây nhiều áp lực lên ổ bụng, kết quả là dây chằng và dây thần kinh bị chèn ép, gây ra nhiều đau đớn ở vùng thắt lưng, cột sống. Song song với đó, khi thai nhi đã lớn, tư thế đi lại, ngồi, đứng của mẹ cũng sẽ khác nhiều so với bình thường. Cột sống phải điều chỉnh để phù hợp với các tư thế này, lâu dần dẫn tới đau nhức. Sau sinh, cơn đau có thể vẫn tiếp tục vì cột sống chưa kịp thích nghi để trở lại bình thường.

Ngoài ra, khi mẹ thực hiện sinh thường, xương chậu phải mở rộng ra để thai có thể ra ngoài. Thai càng to, khớp chậu càng phải giãn nhiều. Vì thế, hậu sản các mẹ thường gặp các cơn đau nhức ở vùng xương chậu, hông.

Chế độ sinh hoạt, ăn uống

Trong quá trình mang thai và sau khi sinh, nếu mẹ có các thói quen sinh hoạt không lành mạnh, hút thuốc lá, ít tập thể dục, ăn uống thiếu chất, bị phơi nhiễm môi trường độc hại… thì rất có thể sẽ bị bùng phát viêm khớp sau sinh.

Tư thế chăm sóc em bé không đúng

Mới sinh, các bà mẹ phải học cách chăm sóc em bé. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ lại duy trì tư thế chăm con không đúng, như: bế, cúi đầu, cho con bú ở vị trí thấp, vai không thả lỏng, bế con suốt cả ngày… Về lâu dài, điều này sẽ gây áp lực lên hệ thống xương khớp, gây ra tình trạng mỏi, đau nhức.

Nhiều bà mẹ lại duy trì tư thế chăm con không đúng gây áp lực lên hệ thống xương khớp (Ảnh minh họa)

Sinh mổ

Rất nhiều bà mẹ gặp tình trạng đau lưng sau khi sinh mổ. Đây chính là hậu quả của việc tiêm thuốc gây tê. Khi tiêm thuốc sẽ làm ảnh hưởng tới dây thần kinh và tủy sống vùng thắt lưng. Nếu sau khi sinh, các tổ chức này phục hồi kém, mẹ sẽ thường xuyên gặp các cơn đau nhức, thậm chí có thể đau tới 15-20 năm sau.

Tiền sử mắc bệnh lý xương khớp

Nếu mẹ có tiền sử mắc các bệnh lý xương khớp tự miễn (như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm khớp vảy nến,…) thì khi mang thai, các bệnh lý này phần lớn đều thuyên giảm. Bởi lúc này hệ miễn dịch giảm đáp ứng. Tuy nhiên, sau khi sinh con, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động mạnh mẽ trở lại, đôi khi có thể hoạt động quá mức cần thiết. Điều này khiến các bệnh lý tự miễn trước đó có nguy cơ bùng phát trở lại.

Ngoài ra, nếu trước đây mẹ từng bị chấn thương khớp hoặc xương sống trước khi mang thai, rất có thể sau sinh, các cơn đau nhức này sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Di truyền

Nếu trong gia đình bạn có người thân ruột thịt mắc bệnh xương khớp, bạn sẽ có nguy cơ bị các bệnh lý này cao hơn những người khác. Đặc biệt, trong quá trình mang thai và sinh nở, sự thay đổi bên trong cơ thể càng khiến bệnh có điều kiện bùng phát lên.

Sự thay đổi bên trong cơ thể trong và sau khi sinh con khiến bệnh lý xương khớp có điều kiện bùng phát lên (Ảnh minh họa)

Loãng xương sau sinh

Để thai nhi phát triển khỏe mạnh, một trong những việc mẹ cần làm là bổ sung canxi đầy đủ. Bởi cơ thể mẹ sẽ phải huy động rất nhiều canxi để cấu tạo nên khung xương thai nhi. Nếu mẹ không bổ sung đủ, canxi sẽ ưu tiên cho thai nhi trước và khiến mẹ bị thiếu hụt chất này, gây ra loãng xương.

Loãng xương là một tình trạng nguy hiểm, khiến mẹ gặp tình trạng đau nhức, thậm chí đau nhức như bị kim châm, tăng nguy cơ rạn xương, nứt xương hoặc gãy xương.

Cách giảm đau nhức xương khớp sau sinh tại nhà an toàn

Uống nước đầy đủ

Uống nhiều nước không chữa được chứng đau khớp, nhưng nó có thể cải thiện sức khỏe của khớp. Nước kích thích sản xuất chất lỏng hoạt dịch trong khớp, đồng thời giúp giảm sưng viêm quanh khớp, khuyến khích sự phát triển của các tế bào mới trong các mô sụn. Vì thế, mẹ hãy nhớ uống nước đầy đủ mỗi ngày.

Theo Ủy ban Thực phẩm và Dinh dưỡng Hoa Kỳ, phụ nữ nên uống khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày.

Nước kích thích sản xuất chất lỏng hoạt dịch trong khớp, giúp giảm sưng viêm quanh khớp, khuyến khích sự phát triển của các tế bào mới trong các mô sụn (Ảnh minh họa)

Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp

Ăn uống cân bằng giữa các nhóm thực phẩm là việc làm cực kì quan trọng nếu muốn có một sức khỏe tốt. Tuy nhiên, mẹ có thể chú ý thêm một số loại thực phẩm tốt cho xương khớp, như:

  • Các loại cá biển (cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ,…);
  • Các loại gia vị tỏi, gừng, nghệ;
  • Các loại trái cây có màu sắc rực rỡ (quả việt quất, quả mâm xôi, quả lựu,…);
  • Trái cây họ cam quýt;
  • Các loại rau màu xanh đậm (rau chân vịt, súp lơ xanh, cải bó xôi,…);
  • Dầu ô-liu;
  • Các loại trà (trà xanh, trà đen, trà ô long);
  • Nước ép nha đam tươi;
  • .v.v.

☛ Tìm hiểu thêm: Ăn gì và kiêng gì khi bị đau nhức xương khớp?

Mẹ hãy chú ý thêm một số loại thực phẩm tốt cho xương khớp (Ảnh minh họa)

Luyện tập thể thao

Nếu mẹ chưa có điều kiện để tới phòng tập thì có thể thực hiện các bài tập tại nhà. Không cần thiết phải là các bài tập chuyên nghiệp, cần nhiều công cụ hỗ trợ, mà mẹ đơn giản chỉ cần đi bộ quanh nhà, tập vài động tác yoga, aerobic,…

Chú ý tư thế chăm em bé

Khi chăm sóc em bé, mẹ hãy chú ý một chút tới tư thế của mình, làm sao để thoải mái và thả lỏng nhất có thể. Mẹ có thể thử một loạt các tư thế, vị trí ngồi để tìm được tư thế phù hợp nhất với mình, đồng thời cố gắng luôn hít thở sâu.

Một số gợi ý dành cho mẹ là:

  • Không nâng em bé từ vị trí quá thấp;
  • Giảm thời gian bế em bé để tay được thư giãn, nghỉ ngơi;
  • Kê gối dưới lưng khi cho em bé bú.
Mẹ hãy chú ý một chút tới tư thế của mình khi chăm sóc em bé (Ảnh minh họa)

Trị liệu nóng – lạnh

Đây là hai phương pháp trị liệu hiệu quả thường được áp dụng để làm giảm các cơn đau nhức xương khớp.

Để trị liệu nóng, mẹ có thể tắm nước ấm vào buổi sáng, sử dụng túi chườm nóng lên các khớp bị đau. Chú ý không áp lên vùng da có vết thương hở, chảy máu, giãn tĩnh mạch.

Để trị liệu lạnh, mẹ có thể ngâm khớp bị đau vào chậu nước đá hoặc sử dụng túi chườm lạnh. Lưu ý không nên chườm quá 4-5 lần/ngày và mỗi lần không quá 15 phút.

Xoa bóp

Xoa bóp được chứng minh là giúp giảm đau khớp rất hiệu quả. Ngoài ra, nó còn giúp mẹ thư giãn, nâng cao tinh thần. Mẹ có thể tìm hiểu về các động tác xoa bóp đơn giản từ sách hoặc các bài viết từ các website uy tín.

Thiền

Thiền cũng là một trong những phương pháp giúp giảm đau, giải tỏa căng thẳng cực kì hiệu quả. Thậm chí, thiền đã được khoa học hiện đại chứng minh rằng có thể làm giảm đau ở 57% bệnh nhân và giảm hơn 90% ở những bệnh nhân đã có kinh nghiệm thiền. Bởi thiền di chuyển sự tập trung của chúng ta ra khỏi cơn đau, chuyển sự chú ý đến những thứ yên tĩnh hơn.

Ngoài ra, khi bạn thiền, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái bình tâm, các hormone căng thẳng sẽ không còn tiết ra nữa, thay vào đó là tăng tiết hormone giảm đau endorphin. Chính điều này giúp cơ và các mô xung quanh khớp trở nên thoải mái hơn, khớp đỡ đau hơn.

Thiền cũng là một trong những phương pháp giúp giảm đau, giải tỏa căng thẳng cực kì hiệu quả (Ảnh minh họa)

Bài thuốc xoa bóp từ gừng và rượu

Gừng là một trong những vị thuốc giúp giảm đau, giảm viêm rất hiệu quả trong Đông Y. Nó có tính ấm, có khả năng tán hàn, tăng lưu thông huyết mạch, giảm đau nhức.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • 500g củ gừng tươi
  • Rượu trắng 45 độ

Thực hiện: Gừng rửa sạch, đập dập rồi ngâm với rượu trắng. Sau khoảng 2-3 tuần là có thể mang ra sử dụng. Bạn xoa bóp rượu gừng lên vùng khớp bị đau nhức (lưu ý không bôi lên vết thương hở). Thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ thấy hiệu quả.

Lưu ý trong việc dùng thuốc

Có rất nhiều loại thuốc giúp giảm đau nhức xương khớp sau sinh, bao gồm cả thuốc không kê đơn (như Paracetamol,…) hay thuốc kê đơn (như NSAID theo toa, oxycodone, tramadol,…). Tuy nhiên, nếu bạn mới sinh và đang cho con bú, hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng trong việc sử dụng thuốc. Bởi bất cứ loại thuốc nào bạn dùng cũng có thể đi qua sữa mẹ và ảnh hưởng tới em bé. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc, bạn phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Nếu các triệu chứng đau nhức xương khớp không thuyên giảm sau 8 tuần hoặc nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn nên đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Trong trường hợp phải sử dụng thuốc, bạn cần thông báo với bác sĩ việc mình đang cho con bú. Điều này giúp bảo vệ sự an toàn cho cả bạn và em bé. Nếu có vấn đề còn thắc mắc về việc dùng thuốc, bạn hãy hỏi lại bác sĩ để nắm rõ thông tin các loại thuốc mà mình sử dụng.

Kết luận

Đau nhức xương khớp sau sinh không phải là hiện tượng nguy hiểm. Song, mẹ cũng không được chủ quan nếu gặp tình trạng này. Nếu đang phải đối mặt với bất kì vấn đề sức khỏe nào liên quan tới xương khớp sau sinh, hãy liên lạc với chúng tôi theo hotline miễn cước 1800 1156.

Bài viết liên quan