Điều trị thoái hóa cột sống lưng bằng vật lý trị liệu có hiệu quả không?

Hiện nay để điều trị thoái hóa cột sống lưng có rất nhiều biện pháp khác nhau phát huy được hiệu quả kiểm soát sự tiếp diễn của bệnh tật. Để hạn chế những tác dụng phụ không muốn của thuốc, nhiều người có xu hướng tìm kiếm các biện pháp điều trị không dùng thuốc, trong có vật lý trị liệu. Vậy điều trị thoái hóa cột sống lưng bằng liệu pháp vật lý trị liệu có hiệu quả không? Mời bạn đọc cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.

Thoái hóa cột sống lưng là tình trạng bệnh lý có sự tổn thương xảy ra ở bề mặt sụn khớp, đĩa đệm hoặc các hệ thống mô mềm xung quanh cột sống như là dây chằng, gân, cơ. Thoái hóa cột sống lưng là hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, nhưng bên cạnh đó các yếu tố như tính chất công việc (ngồi nhiều, mang vác nặng,…), béo phì, chấn thương cũng làm cho quá trình thoái hóa diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Thoái hóa cột sống lưng gây cho người bệnh những cơn đau nhức âm ỉ, ê buốt kéo dài, khiến người bệnh vận động khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hiện nay, để điều trị thoái hóa cột sống lưng có rất nhiều phương pháp khác nhau, trong có vật lý trị liệu là phương pháp điều trị không dùng thuốc đang được nhiều người quan tâm và lựa chọn.

Vật lý trị liệu là phương pháp gì?

Vật lý trị liệu là một chuyên ngành y học chuyên nghiên cứu và ứng dụng các yếu tố vật lý như nhiệt, điện, cơ, sóng, ánh sáng,..tác động lên người bệnh nhằm phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Phương pháp vật lý trị liệu đã xuất hiện từ khoảng 5000 năm trước và hiện nay với sự tiến bộ của khoa học, vật lý trị liệu đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong điều trị, nhất là trong việc điều trị thoái hóa xương khớp.

Vật lý trị liệu phát huy tác dụng thế nào trong việc điều trị thoái hóa cột sống lưng?

– Vật lý trị liệu giúp người bệnh giảm đau nhức, sưng viêm, khôi phục lại chức năng của xương khớp, tăng tính linh hoạt, dẻo dai của cơ bắp và dây chằng

– Tăng cường trao đổi chất, điều hòa lưu thông máu đưa các chất dinh dưỡng cần thiết tới sụn khớp, đĩa đệm cột sống

– Giúp bạn duy trì cân nặng cho cơ thể, giảm bớt áp lực lên thắt lưng và các mô cột sống

– Do tính chất tác động sâu tới nguyên nhân gây bệnh nên hiệu quả điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu sẽ kéo dài, hạn chế nguy cơ tái phát lại. Nhiều người còn phục hồi hoàn toàn sau liệu trình trị liệu

– Hạn chế được việc lạm dụng thuốc và tránh được các nguy cơ rủi ro cũng như tác dụng phụ của các thuốc

– Trong trường hợp nếu phải phẫu thuật cột sống, vật lý trị liệu giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn, ổn định cột sống, giảm đau hiệu quả.

Các phương pháp vật lý trị liệu điều trị thoái hóa cột sống lưng

Trong vật lý trị liệu có rất nhiều phương pháp khác nhau, nhưng nhìn chung các phương pháp được chia thành hình thức bị động và hình thức chủ động

Hình thức bị động

Hình thức bị động là bao gồm các phương pháp điều trị mà không yêu cầu bạn phải vận động quá nhiều. Thông thường, các biện pháp này thường được dùng để giảm nhanh các triệu chứng đau cấp tính, đồng thời giúp kiểm soát bệnh một cách hiệu quả. Cụ thể là các hình thức:

  • Massage

Đây là phương pháp mà bác sĩ sẽ dùng tay hoặc có kèm theo dầu massage đặc biệt tác động vào vùng cột sống của bạn. Thông qua liệu pháp này, các cơn đau nhức của bạn được đẩy lùi, máu huyết được lưu thông một cách dễ dàng. Đồng thời, massage cũng kích thích các dịch khớp, bôi trơn sụn khớp, tránh tình trạng khô cứng xương khớp và tăng giới hạn chuyển động

Để được massage đúng cách bạn nên tìm đến các trung tâm vật lý trị liệu uy tín có đội ngũ bác sĩ, chuyên viên kĩ thuật có tay nghề cao. Tránh tình trạng massage sai cách khiến cột sống xảy ra thêm tổn thương.

Massage điều trị thoái hóa cột sống lưng (Ảnh minh họa)
  • Chườm nóng/lạnh

Chườm nóng: Bạn sử dụng một túi nước ấm chườm lên vùng tổn thương, giúp làm giãn mạch để cải thiện khả năng tuần hoàn máu. Thông qua đó, các cơn đau sẽ dần được ức chế, kích thích quá trình hồi phục các tổn thương.

Chườm lạnh: phù hợp để giảm sưng, đau và viêm khớp. Việc sử dụng nhiệt độ thấp sẽ giúp giảm lưu lượng máu, đồng thời cho hiệu quả kháng viêm cao. Bạn có thể bỏ ít đá vào túi chườm sau đó đặt lên vùng bị đau, tránh để lâu 20 phút vì có thể gây bỏng lạnh.

  • Paraffin trị liệu

Parafin là một hỗn hợp có nhiều hydrocarbon từ dầu hỏa, paraffin dùng trong điều trị là loại tinh khiết, trung tính, màu trắng, không độc hại. Parafin có nhiệt dung cao (độ nóng chảy 55 – 60 độ C), nhiệt độ khối paraffin nóng giảm rất chậm nên có thể truyền cho cơ thể một lượng nhiệt lớn. Nhờ đó, khi đắp paraffin lên vùng thắt lưng bị đau, các cơn đau dịu đi, giải tỏa căng thẳng ở vùng lưng

  • Siêu âm trị liệu

Siêu âm trị liệu là phương pháp tận dụng tần số của sóng tác động vào những tế bào tổn thương tại vùng thắt lưng nhằm giúp giãn cơ, giãn mạch, tăng tuần hoàn máu, oxy, chất dinh dưỡng và thúc đẩy quá trình viêm kết thúc sớm.

  • Sóng ngắn

Sóng ngắn là một trong những liệu pháp được chỉ định điều trị cho bệnh nhân có tình trạng thoái hóa cột sống ở giai đoạn mãn tính. Nhiệt của sóng ngắn giúp ức chế các sợi dẫn truyền cảm giác đau, làm dịu và giảm căng thẳng của hệ thần kinh.

Ngoài ra, khi tạo nhiệt nóng ở trong các khớp, qua đó giúp tăng cường chuyển hóa, chống phù nề, chống viêm giảm đau mang lại hiệu quả cao cho bạn.

Điện xung trị liệu (Ảnh minh họa)
  • Điện xung trị liệu

Điện xung trị liệu là phương pháp sử dụng các xung điện tác động trực tiếp lên các huyệt đạo, tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau nhức, căng cứng cơ.

Khi bạn được điều trị bằng liệu pháp xung điện bạn sẽ dần cảm thấy các cơn đau thuyên giảm do các chất dinh dưỡng được chuyển hóa tốt hơn. Đặc biệt, phương pháp điện xung có khả năng ức chế đường dẫn truyền thần kinh lên não, giảm co thắt, giảm trương cơ lực, rất hiệu nghiệm đối với những cơn đau cấp tính

  • Kéo dãn cột sống

Kéo dãn cột sống là phương pháp dùng lực cơ học tác động theo chiều dọc của cột sống nhằm làm giãn nở khoảng cách các khoang đốt sống. Liệu pháp này giúp làm giãn cơ, giảm áp lực lên đĩa đệm, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, tăng nuôi dưỡng cục bộ. Bên cạnh đó, kéo dãn cột sống còn giúp bạn khôi phục lại tầm vận động của các khớp.

Hình thức chủ động

Hình thức chủ động là hình thức điều trị bằng các bài tập vận động cơ thể. Bạn có thể tập luyện một mình hoặc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trị liệu. Một số bài tập phổ biến giúp điều trị thoái hóa cột sống lưng mà bạn có thể tự luyện tập tại nhà như:

Bài tập gập gối

Bài tập này có tác dụng kéo giãn cơ, tăng cường phạm vi chuyển động vùng cột sống thắt lưng.

Động tác gập gối (Ảnh minh họa)

Cách thực hiện:

Trước tiên bạn nằm ngửa trên thảm, lưng thẳng, hai tay duỗi song song với thân. Bạn đưa gối trái từ từ áp sát về phía ngực của mình, đồng thời hai tay đan vào nhau ôm lấy ốm trái. Bạn giữ tư thế này trong vòng 15 giây sau đó trở về với tư thế ban đầu và thực hiện tiếp với chân phải. Bạn thực hiện động tác này từ 3 tới 5 lần.

Sau khi thực hiện động tác gập từng gối xong, bạn tiến hành thực hiện động tác gập với cả 2 chân và giữ tư thế đó trong vòng 15 giây sau đó trở về ban đầu. Với động tác này bạn cùng cần thực hiện từ 3 đến 5 lần.

Bài tập gập lưng

Bài tập này có tác dụng kéo giãn cột sống thắt lưng, tăng cường sự dẻo dai linh hoạt cho cột sống

Động tác gập lưng (Ảnh minh họa)

Cách thực hiện

Bạn bắt đầu với tư thế quỳ trên gót chân của mình. Sau đó bạn từ từ gập người về phía trước, hạ thấp xuống dưới sàn, hai tai vươn thẳng qua đầu, trán chạm sàn, hít thể đều, thả lỏng toàn bộ cơ thể.

Bạn giữ tư thế này trong vòng từ 15 tới 30 giây, sau đó trở về tư thế ban đầu. Thực hiện động tác này từ 3 tới 5 lần.

Bài tập giữ thăng bằng

Bài tập này có tác dụng tăng sức mạnh vùng cơ bụng và cơ lưng nhằm giúp cột sống giảm bớt áp lực trong khi bạn vận động hằng ngày.

Bài tập giữ thăng bằng (Ảnh minh họa)

Cách thực hiện

Đầu tiên bạn chống hai tay và đầu gối xuống sàn ở tư thế sấp. Cổ, lưng ở trên một đường thẳng. Mặt cúi xuống sàn nhà, bụng siết chặt. Tiếp theo sau đó, bạn đưa chân trái duỗi ra sau, tay phải duỗi về phía trước.

Bạn giữ nguyên tư thế trong vòng  3 – 5 giây sau đó trở về tư thế ban đầu. Đổi bên và tiếp tục thực hiện động tác. Bạn tập cho mỗi bên từ 5 đến 10 lần.

Bài tập tư thế cây cầu

Bài tập này có tác dụng cải thiện tình trạng đau nhức cột sống, giúp cột sống trở lên linh hoạt hơn làm săn chắc vùng mông và cơ lưng, giúp bạn cải thiện các tình trạng đau nhức hoặc mất ngủ do thoái hóa gây ra

Tư thế cây cầu (Ảnh minh họa)

Cách thực hiện

Bạn nằm ngửa trên thảm tập, hay tay duỗi song song với thân, áp sát đùi. Bạn co chân, đưa hai gót chân gần về phía mông, chân mở rộng bằng vai. Hai tay, vai áp sát sàn, hít một hơi sâu, bạn từ từ nâng phần bung và hông lên cao hết mức có thể.

Bạn giữ tư thế này trong vòng 10 giây. Sau đó hạ mông, lưng xuống sàn trở về tư thế ban đầu. Động tác này bạn thực hiện khoảng 3 đến 5 lần cho mỗi buổi tập.

Tôi cần lưu ý gì khi điều trị thoái hóa cột sống lưng bằng vật lý trị liệu?

  • Bạn cần lựa chọn cơ sở vật lý trị liệu có uy tín, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao.
  • Thực hiện điều trị đúng và đủ theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đề ra. Tránh việc tự ý nghỉ giữa chừng, làm gián đoạn liệu trình điều trị ảnh hưởng tới kết quả điều trị.
  • Trong quá trình tập những động tác nào gây khó chịu cho bạn thì bạn cần ngưng tập và báo với bác sĩ sớm để kịp thời có phương án điều trị thích hợp.
  • Bên cạnh đó, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý
  • Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh. Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
  • Tránh mang vác vật nặng. Tập luyện thói quen ngồi, đi, đứng đúng tư thế.
  • Thường xuyên khám định kì để theo dõi quá trình kiểm soát bệnh.

Kết luận

Vật lý trị liệu đang là một trong những phương pháp cho hiệu quả cao trong việc điều trị các bệnh xương khớp nói chung và bệnh thoái hóa cột sống lưng nói riêng. Phương pháp không dùng thuốc này giúp người bệnh tránh được các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc và kéo dài hiệu quả điều tri.

Tuy nhiên, để thấy được kết quả điều trị tích cực, bạn cần phải có sự kiên trì luyện tập và tuyệt đối tuân thủ các lời dặn dò của bác sĩ. Do đó, nếu trong quá trình điều trị bạn thấy nản lòng thì hãy nhờ đến sự giám sát của bác sĩ, và sự động viên của người thân. Hi vọng bài viết này đã mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Chúc bạn luôn mạnh khỏe!

Link tham khảo:

  1. https://www.verywellhealth.com/physical-therapy-4014670
  2. https://www.spineuniverse.com/conditions/spinal-stenosis/physical-therapy-spinal-stenosis
  3. https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-thoai-hoa-cot-song-n159289.html

Bài viết liên quan